Chiều 12/6, Thường trực Chính phủ nghe Bộ Quốc phòng và đơn vị tư vấn hàng không báo cáo phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết rất ghi nhận và trân trọng ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhà khoa học, báo chí, ý kiến của Bí thư TP HCM Nguyễn Thiện Nhân về vấn đề nêu trên.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông chủ trì, thuê tư vấn nước ngoài làm việc độc lập để nghiên cứu, khảo sát theo hướng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất với tinh thần khách quan, trung thực nhất về hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất...; báo cáo kết quả cho Thường trực Chính phủ vào cuối năm nay.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, quá trình nghiên cứu trên sẽ xem xét đường cất hạ cánh thứ 3. Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định sẵn sàng bàn giao đất quốc phòng vì mục đích mở rộng sân bay.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo dừng hoạt động xây dựng tất cả công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf, như trường đào tạo năng khiếu golf, khu biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê… để chờ cơ quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét trước khi quyết định.
"Chính phủ sẽ tính toán các phương án mở rộng sân bay đảm bảo: nhanh nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất, nhằm giảm ùn tắc, quá tải", ông Mai Tiến Dũng nói.
Theo ông, Thủ tướng chỉ đạo trong khi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vẫn phải đẩy mạnh tiến độ đầu tư dự án sân bay Long Thành.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện có 2 đường cất hạ cánh với độ dài là 3.048 m và 3.800 m. Hệ thống đường lăn, sân đỗ, thiết bị phụ trợ dẫn đường theo tiêu chuẩn CAT II.
Hồi tháng 2, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp rà soát các phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. Tại đây, đơn vị tư vấn là Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC - Bộ Quốc phòng) đã trình bày chi tiết 7 phương án, được chia thành 3 nhóm.
Nhóm đầu tiên là xây mới đường cất hạ cánh số 3 ở phía bắc sân golf, cách đường cất hạ cánh 25R/07L 1.800 m, xây dựng hai nhà ga mới và các công trình phụ trợ nằm trên đất sân golf. Phương án này có tổng mức đầu tư hơn 200.000 tỷ đồng, thời gian xây dựng trên 15 năm, giải phóng 626 hecta, trong đó có khu quân sự, sân golf và 322 hecta đất dân cư với khoảng 140 nghìn hộ dân.
Nhóm thứ hai gồm 3 phương án xây dựng đường cất hạ cánh số 3, nhà ga hành khách T4 ở phía bắc, nhà ga T3 ở phía nam. Phương án có tổng mức đầu tư thấp nhất là 100.000 tỷ đồng, cao nhất là 187.000 tỷ đồng. Thời gian xây dựng từ 10 đến trên 15 năm.
Nhóm thứ ba gồm 3 phương án, không xây mới đường cất hạ cánh, chỉ xây mới các nhà ga, sân đỗ, khu kỹ thuật ở phía bắc, phía nam và cả hai phía bắc nam của sân bay.
Một trong các phương án nằm trong nhóm này là xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh 25L/07R và 25L/07L; xây dựng nhà ga T3 và T4 mỗi nhà ga có công suất 10 triệu hành khách/năm ở phía Nam; xây dựng khu bãi đỗ và bảo dưỡng kỹ thuật phía Bắc.
Phương án trên sẽ nâng tổng công suất của Tân Sơn Nhất lên 43-45 triệu hành khách mỗi năm trong khi chỉ phải giải phóng mặt bằng 24.52 hécta đất quân sự; tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng, thời gian xây dựng 2-3 năm.
Tân Sơn Nhất có thể đón các loại tàu bay thân lớn như: A350, B747-400, A330, B777, B767, A321..., cấp sân bay 4E. Đây là cảng hàng không dân dụng kết hợp hoạt động bay quân sự. Nhà ga hành khách quốc tế rộng 92.000 m2. Nhà ga hành khách quốc nội rộng 40.048 m2. Năng lực tiếp nhận 25 triệu hành khách mỗi năm. Năm 2015, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phục vụ hơn 181 nghìn lượt chuyến bay (tăng 18% so với cùng kỳ năm trước), sản lượng hành khách đạt hơn 26,5 triệu. Năm 2016, hành khách qua sân bay khoảng 31 triệu lượt. |
Võ Văn Thành - Hoàng Thùy