Chiều 1/4, tại phiên họp thường kỳ, Chính phủ thảo luận về báo cáo của Bộ Lao động, các cơ quan chức năng về kiến nghị đối với Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Trong đó, có việc không cho người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội như quy định của luật hiện hành mà phải chờ đến tuổi nghỉ hưu mới được nhận.
Trước đó, Chính phủ đã nhận được kiến nghị của Bộ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND TP HCM về việc báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết cho người lao động tự chọn hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần hoặc tích luỹ để bảo lưu thời gian đã đóng nhằm tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội và hưởng lương hưu. Kiến nghị trên được đưa ra sau khi hàng nghìn lao động Công ty Pouyuen có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh ngừng việc tập thể vì không đồng tình với quy định mới của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2016).
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận, Chính phủ thống nhất rằng, thay đổi quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần là bước tiến, chăm lo lâu dài cho người lao động nhưng gặp phải sự không đồng thuận của đa số người lao động, trước hết là công nhân ở TP HCM khi chuẩn bị triển khai.
Nhận thấy ý kiến của người lao động là chính đáng, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét lại Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sửa đổi một phần để người lao động được chọn giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần theo hướng nếu không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, người lao động không được nhận hỗ trợ một lần ngay sau khi nghỉ việc như luật cũ mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian chấm dứt hợp đồng, người lao động được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm... Đến khi người lao động trở lại làm việc, thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn, tích luỹ đủ để đến tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu theo quy định.
Hoàng Phương