Bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, chiều 5/11, tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 290 km về phía đông đông nam, sức gió tối đa 61 km một giờ (cấp 7).
Tuy nhiên, theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm trên, áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển nhanh với vận tốc lên đến 30 km một giờ và trong vòng chưa đầy một ngày, áp thấp di chuyển được 1.400 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Từ 15-19h ngày 6/11, bão cấp 9, giật cấp 11 sẽ đi vào các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau và khu vực nam Tây Nguyên như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông.
"Càng vào gần bờ cường độ bão số 13 càng mạnh. Khoảng 13h ngày 6/11, bão chỉ còn cách bờ khoảng 100 km, gió mạnh. Vì vậy các địa phương cần chuẩn bị phương án chống bão trước trưa mai", ông Tăng nói.
Sáng 6/11, gió ở vùng biển các tỉnh Phú Yên - Cà Mau sẽ mạnh lên cấp 7 khiến khu vực nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to, mức phổ biến 100-200 mm, có nơi lên đến 300 mm. Đêm 5, sáng 6/11, các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện lũ.
Riêng miền tây Nam Bộ do ảnh hưởng của kỳ triều cường kết hợp với mưa, mực nước nhiều nơi sẽ lên trên báo động 3 từ 0,2 - 0,6 m, một số nơi có khả năng cao hơn. Vì vậy các tỉnh này cần đề phòng ngập úng trên diện rộng.
Ông Tăng cũng cảnh báo, trên khu vực Thái Bình Dương hiện có cơn bão mạnh Haiyan (bão số 14) hoạt động, nhiều khả năng bão đổ bộ vào chiều và đêm 8/11 với cường độ lớn, tốc độ nhanh. Rất có thể sau bão Haiyan còn có thêm cơn bão nữa ảnh hưởng đến Việt Nam ngày 13-14/11.
"Năm nay là năm đạt kỷ lục về số lượng bão, áp thấp nhiệt đới", ông Tăng nói và cho hay tổng số bão và áp thấp nhiệt đới dự kiến lên đến 18.
Tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chiều 5/11, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các địa phương rà soát tàu thuyền, nếu neo đậu thì kiên quyết phải đưa người lên bờ an toàn.
"Các địa phương phải cấm biển từ ngày mai", Phó thủ tướng yêu cầu.
Ông cũng cho hay, những khu vực mà bão số 13 đổ bộ vào là các địa phương vốn ít có khả năng bị bão tấn công nên cần phải thận trọng hơn và hoàn thành các công việc chống bão trước 13h ngày 6/11.
Các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực giữa biển Đông và quần đảo Trường Sa di chuyển vào bờ hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Tỉnh Bình Định cử cán bộ xuống các gia đình chủ tàu để thông tin cụ thể.
Cơ quan thường trực Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, 13h30 ngày 5/11 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 133.485 phương tiện, với 582.782 người biết diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển phòng tránh.
Trong đó, đáng chú ý là tàu KH 96778 với 12 lao động của Khánh Hòa bị thủng, nước tràn vào tại địa điểm cách đường phân định biên giới Việt Nam - Indonesia 60 hải lý về phía Tây Nam. Bộ đội Biên Phòng và Bộ Ngoại giao vẫn cố gắng liên lạc với tàu và đề nghị nước bạn hỗ trợ.
17h chiều nay, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP HCM đã có công điện khẩn yêu cầu UBND huyện Cần Giờ bằng mọi biện pháp thực hiện thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện tàu thuyền chấp hành lệnh nghiêm cấm ra khơi kể từ 19h tối ngày 5/11 cho đến khi có lệnh mới. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố được giao kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa sông, cửa biển kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi theo lệnh cấm này. Để chủ động phòng ngừa giảm thiểu thiệt hại, thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện… triển khai ngay các phương án sơ tán dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra trên địa bàn. Riêng đối với huyện Cần Giờ, lãnh đạo thành phố yêu cầu phải sẵn sàng phương án ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn và tổ chức di dời dân đến nơi tạm cư an toàn. Đặc biệt, không cho phép các tàu chở khách du lịch tham gia hoạt động trên sông, biển trong điều kiện thời tiết nguy hiểm, sóng to gió lớn. |
Hương Thu - Hữu Công