Đức Từ Cung (vợ vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại) qua đời năm 1980. Trước lúc nhắm mắt, bà hiến tặng cho Nhà nước nhiều bộ trang phục hoàng gia. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế là đơn vị tiếp nhận. Những người làm công tác nghiên cứu như "được vàng" khi biết trong số hiện vật này có chiếc áo các vua Nguyễn mặc trong quốc lễ tế Giao.
Tế Giao là lễ tế trời đất và các vị thần linh quan trọng nhất trong bờ cõi quốc gia. Chỉ vua mới có quyền làm lễ tế Giao, nhằm khẳng định tính chính thống của triều đại cũng như uy quyền của hoàng đế tuân theo mệnh trời để cai trị dân chúng. Nghi lễ này có từ thời nhà Lý và các triều đại phong kiến tiếp theo bảo tồn, nhưng chỉ còn triều Nguyễn để lại áo tế Giao.
"Chiếc áo không chỉ là trang phục mà còn là biểu trưng cho quyền lực của thiên tử. Người được trời đất chứng giám mới có đủ năng lực để nối kết trời với đất, thay mặt thần dân cúng tế trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an", bà Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, phân tích.
Áo tế Giao được truyền qua các đời vua Nguyễn và là một trong số ít hiện vật độc bản của triều Nguyễn, vừa được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia. "Chiến tranh loạn lạc, bà Từ Cung đã phải bán đi nhiều trang phục, trang sức của hoàng tộc để sinh sống và tu sửa những đền thờ miếu mạo của nhà Nguyễn, nhưng vẫn quyết giữ lại áo tế Giao, đủ biết chiếc áo quan trọng và quý giá đến mức nào", bà Anh Vân nói.
Áo màu xanh đen, dài 117 cm, tà áo rộng 98 cm, hai cánh tay và vạt trước được thêu hình rồng 5 móng tinh xảo. Thân áo thêu mặt trời, mặt trăng, các vì sao tinh tú, mây, núi, sóng nước... Nhiều người lấy làm lạ vì truyền qua 13 vua nhà Nguyễn, áo vẫn còn mới? Bà Anh Vân lý giải: "Lễ tế Nam Giao thuộc hàng đại tự, mỗi năm vua chỉ mặc một lần và là áo khoác ngoài nên còn nguyên vẹn".
Để chuẩn bị tế Giao người chủ tế phải thực hành nhiều nghi lễ, trong đó phải ăn chay nằm đất 3 ngày. Lễ được tổ chức tại điện Thái Hòa, sau đó, ngự đạo sẽ rước nhà vua đi qua Ngọ Môn, qua cửa Quảng Đức đến trước bến Phu Văn Lâu và lên thuyền để lên đàn tế phía Nam Kinh thành.
Đàn tế được vua Gia Long dựng vào năm 1806, gồm 3 tầng. Tầng trên hình tròn tượng trưng cho trời, hai tầng dưới hình vuông tượng trưng cho đất và con người. Bao quanh đàn tế là rừng thông xanh ngắt.
Từ khi đàn tế được xây dựng cho đến cuối thế kỷ 19, hàng năm triều Nguyễn đều tổ chức lễ tế Nam Giao vào mùa xuân. Đến thời vua Thành Thái (1889) và các đời vua sau này, do điều kiện kinh phí hạn hẹp nên 3 năm triều đình mới tổ chức một lần. Trong lễ tế Nam Giao, có thể đích thân nhà vua đứng chủ tế hoặc giao cho quan khâm mệnh đại thần thay mặt làm chủ tế.
"Thời Pháp thuộc, lễ tế này chủ yếu mang tính hình thức, vì vai trò nhà vua không còn thiêng liêng như ngày trước", bà Anh Vân thông tin.
Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, đàn Nam Giao bị bỏ hoang phế. Ngày nay, đàn Nam Giao đã được phục hồi và tổ chức UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản Thế giới từ năm 1993. Riêng chiếc áo tế Giao hiện bảo quản tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế theo chế độ đặc biệt.
Sau gần 60 năm vắng bóng, năm 2004, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế lần đầu tiên tái hiện từng phần lễ tế Nam Giao trong kỳ Festival. Về sau, đại lễ này dần được phục dựng gần như hoàn chỉnh. Nhưng khi đó thay mặt "vua" tế trời đất là một diễn viên nam.
Kỳ Festival gần đây nhất, để thêm tính tôn nghiêm, lễ tế do chính Bí thư tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Ngọc Thiện, hiện làm Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch, chủ trì.
Nguyễn Đông