Bộ Tài nguyên và Môi trường hôm nay đã có kết luận về việc chôn lấp bùn thải trái phép của Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Sau khi tổng hợp kết quả so sánh, đối chứng, đánh giá phân tích từ 3 phòng thí nghiệm, Bộ khẳng định trong chất thải chôn lấp trái phép có một số mẫu chứa xyanua vượt ngưỡng chất thải nguy hại.
Theo Luật Bảo vệ môi trường, chất thải thông thường có lẫn chất thải nguy hại vượt ngưỡng quy định mà không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại. Nghị định 38/2015 nêu chi tiết chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được phân loại riêng với chất thải nguy hại, trường hợp không thể thì phải quản lý theo quy định về chất thải nguy hại.
Từ đó, Bộ kết luận: "Bùn thải bị chôn lấp trái phép đã được bốc xúc, lưu giữ với khối lượng 390,72 tấn (gồm cả đất đá bị lẫn) là chất thải công nghiệp có lẫn chất thải nguy hại; phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại và phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng, được cấp phép xử lý".
Bộ cũng lấy 38 mẫu bùn thải, 30 mẫu đất tại vị trí chôn lấp chất thải và khu vực đất xung quanh, một mẫu nước giếng khoan và 3 mẫu nước suối, kết quả cho thấy môi trường đất, nước mặt, nước ngầm chưa bị ô nhiễm.
Để đưa ra kết luận, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cử đoàn công tác đến khảo sát tại các điểm chôn lấp là đồi Con Trò (phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh), công viên xanh, bãi rác Kỳ Tân.
Đoàn yêu cầu Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh thu gom, đóng gói toàn bộ chất thải đã chôn lấp trái phép, đưa lượng chất thải thu được đến ngày 17/7 là 390,72 tấn (gồm cả đất đá) về lưu giữ tại cơ sở xử lý chất thải của Công ty TNHH MTV chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh.
Cho rằng việc chôn lấp trái phép bùn thải nguy hại của Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh có dấu hiệu tội phạm về môi trường, Bộ Tài nguyên sẽ bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ vi phạm để Công an Hà Tĩnh điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Về xử lý trách nhiệm với chủ nguồn thải là Formosa Hà Tĩnh, theo Bộ, công ty này đã có hành vi vi phạm như: không phân định, phân loại, xác định đúng số lượng, khối lượng chất thải nguy hại phải đăng ký và quản lý theo quy định tại Nghị định 179 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Sai phạm tiếp theo là công ty đã chuyển giao chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép theo quy định.
Với hành vi trên, Bộ Tài nguyên sẽ xử phạt hành chính, yêu cầu Formosa phối hợp với Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh xử lý ngay 390,72 tấn bùn thải lẫn đất đá và chịu toàn bộ chi phí.
"Công ty phải đăng chủ nguồn chất thải nguy hại đối với các loại bùn thải nguy hại phát sinh theo quy định về quản lý chất thải và phế liệu; xây dựng kế hoạch xử lý chất thải cho toàn bộ dự án. Formosa phải hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền trước ngày 30/8", Bộ Tài nguyên yêu cầu.
Trước đó ngày 11/7, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh phát hiện hơn 100 tấn chất thải tại một trang trại ở phường Kỳ Trinh, xuất phát từ nhà máy của Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Trang trại nằm trong khu rừng tràm, rộng vài nghìn mét vuông. Phía trong có bãi đất trống được đào hố rộng để tập kết loại chất thải màu đen, có mùi hôi. Sở Tài nguyên đã lập biên bản với Công ty môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh về việc tự chôn lấp chất thải này.
Công ty gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh hôm 30/6 thừa nhận là thủ phạm xả thải khiến cá biển ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chết hàng loạt. Lãnh đạo công ty đã chấp nhận bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả, xử lý ô nhiễm, đồng thời đầu tư hoàn thiện hệ thống xả thải.
Xyanua là chất độc mạnh, phần lớn xuất phát từ quá trình công nghiệp. Nguồn thải chính của xyanua là từ quá trình khai thác mỏ, công nghiệp hoá chất hữu cơ, những công việc liên quan đến sắt và thép. Những nguồn xyanua khác xuất phát từ xe cộ, ngành công nghiệp hoá học, chất đốt từ nhà dân trong thành phố và thuốc trừ sâu chứa xyanua. |