-
00h15
Người dân thủ đô đếm ngược chào đón năm mới.
-
00h10
Trong thời khắc giao thừa ở TP HCM, không khí trên đường khá trầm lắng. Đa số người dân quây quần tại nhà làm lễ cúng giao thừa và cầu chúc năm mới. Trong căn nhà ở hẻm Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, ông Nguyễn Văn Mùi cùng con cháu chụp hình lưu niệm. "Tết này có đủ con cháu trong gia đình nên cả nhà tôi cùng chụp hình kỷ niệm", ông Mùi nói.
-
00h05
Sau giao thừa, tại Hải Phòng, hàng nghìn người dân đổ về đền Nghè, nơi thờ nữ tướng Lê Chân, người có công khai khẩn vùng đất An Biên xưa, nay là thành phố Hải Phòng để dâng hương và cầu phúc. Một số sinh viên Đại học Hàng hải, Đại học Hải Phòng tranh thủ mang túi gạo, muối ra bán cho du khách vào đền.
Tại Hà Nội, người dân cũng đi lễ đền chùa ngay sau giao thừa. Chùa Trấn Quốc đón khá nhiều du khách, một số em nhỏ tranh thủ dịp này để bán muối cầu may mắn.
Trẻ bán muối đêm 30 Tết.
-
00h00
Tại Hồ Gươm, Hà Nội, cầu Thê Húc bừng sáng trong làn pháo phụt, các màn hình công cộng chiếu ảnh pháo hoa. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc lời chúc mừng năm mới.
"Chào năm mới, mỗi người Việt Nam chúng ta hãy phát huy cao độ tinh thần yêu nước, truyền thống con Rồng, cháu Tiên, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo, ra sức thi đua... mở ra thời kỳ phát triển mới, đất nước phồn vinh, mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc", Chủ tịch Quang nói.
Ở nhiều vùng nông thôn của thủ đô, các tổ chức đoàn thể cử ra một người đại diện đánh trống vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới nhằm đánh thức đất trời, đánh thức lòng người, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, xóm làng an vui, nhà nhà no đủ, người người hạnh phúc.
Cụ già ở quán Chính Linh Từ (Đông Phương Yên, Chương Mỹ) đánh trống.
Tại Đà Nẵng, Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ đến UBND phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) để đón giao thừa cùng người dân.
Trước đó, ông Thơ đã đi tuần tra cùng công an và dân phòng phường Hải Châu 1 (lực lượng được thành lập để trấn áp tội phạm). Ông cũng đến thắp hương cho các bậc tiền hiền tại đình làng Hải Châu - nơi thờ tự các tộc họ đầu tiên vào Đà Nẵng khai hoang, lập nghiệp.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ chúc Tết người dân.
Tại Huế, khi chuông đồng hồ điểm 24 tiếng, người dân bắt đầu thắp hương cúng, cầu nguyện những điều tốt đẹp trong năm mới. Nhiều người theo đạo Phật gõ chuông cầu bình an. Không có pháo hoa, khắp thành phố Huế mở nhạc xuân trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới.
-
23h50
10 phút trước giao thừa, tại các gia đình ở Đồng Nai, người dân bày biện mâm ngũ quả ra trước nhà cúng. "Phong tục này có từ ngày khai phá đến nay, thời khắc giao thừa thường cúng mâm ngũ quả để mong muốn năm mới sung túc, no ấm. Sau khi cúng, người dân sẽ lên chùa cầu phúc", cụ bà ở phường Bửu Long, TP Biên Hòa, cho biết.
-
23h40
Trong khi các bạn trẻ Hà Nội du xuân thì ở nhà, những người mẹ, người bà lo chuẩn bị mâm cơm cúng giao thừa. Thông thường, người Hà Nội sẽ có một mâm cỗ cúng gia tiên và một mâm cỗ cúng đất trời đặt ở trước cửa nhà.
-
23h20
Hai chuyến tàu đêm cuối cùng trong năm Bính Thân bắt đầu lăn bánh từ ga Hà Nội đi Lào Cai và Sài Gòn lúc 22h. Tàu vắng hơn mọi ngày, phần lớn là khách nước ngoài.
Anh Nguyễn Văn Tuý, lái đầu tàu D19E-950 chia sẻ: "18 năm lái tàu, trong đó 10 năm tôi đón giao thừa trên đường. Dự định đêm nay 24h tàu tới Ninh Bình, chúng tôi sẽ kéo hồi còi dài và nháy đèn thay tiếng pháo hoa để đánh dấu thời khắc chuyển giao năm mới".
Chuyến tàu cuối ngày rời ga Hà Nội.
-
23h15
Còn gần một tiếng nữa là đến năm Đinh Dậu, nhiều người dân Huế bắt đầu sửa soạn mâm cỗ cúng giao thừa. Ngoài mâm ngũ quả, bánh tét, bánh chưng, mâm cỗ của người Huế luôn có gà trống.
Theo cụ Lê Thị Gái (88 tuổi, phường An Đông), người Huế không kiêng cúng gà năm Dậu như người miền Bắc. Con gà cúng phải là gà trống mới chập chững gáy.
-
23h10
Tại TP HCM, gần đến giao thừa, bà Lê Thị Hoa (64 tuổi, đường Hoàng Sa) chuẩn bị mâm cúng với đĩa trái cây, trầu cau, ít kẹo bánh theo kiểu người miền Nam. "Sang năm mới tôi hy vọng con cái hòa thuận, công việc thành công hơn năm trước. Riêng tôi chỉ mong vẫn có sức khỏe là tốt rồi", bà Hoa tâm sự.
Chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) bắt đầu tấp nập phật tử và người dân tới thắp hương cầu an. Lượng khách đến ngày càng đông, ban quản lý chùa phải phát loa thông báo phật tử đề phòng kẻ gian trộm cắp tài sản.
Mua đồ lễ cúng trước sân chùa chuẩn bị vào dâng hương, chị Đặng Thị Lan Phương (ngụ quận 1) cho biết, Tết năm nào cũng tới đây thắp nhang. "Chưa đầy một giờ nữa sẽ bước sang năm mới, tôi thầm chúc tất cả mọi người trên đất nước một năm mới bình an và may mắn", chị Phương chia sẻ.
Nằm ở quận Tân Bình, chùa Phổ Quang cũng đón lượng lớn người dân đi lễ. Càng về khuya, dòng người đến càng đông. Các bãi giữ xe bên trong chùa và xung quanh hoạt động hết công suất.
"Nhà ở gần, tôi đưa các cháu vào thắp hương cầu nguyện những điều tốt lành cho năm mới sẽ đến với mọi người trong gia đình rồi về đập đất luôn”, ông Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.
-
23h05
Hải Phòng trời không mưa, thuận lợi cho người dân du xuân. Do không bắn pháo hoa, người dân đổ về trung tâm thành phố muộn và ít ́hơn. Nhiều bạn trẻ sau khi dạo một vòng quanh khu vực Nhà hát lớn, chụp vài tấm hình lưu niệm, rồi rủ nhau ra về hoặc đi uống nước.