Ông Phạm Đăng (76 tuổi) cho biết, làng Nghi Sơn có nguồn gốc từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh. Khoảng năm 1471, nhà Lê mang quân đi thảo phạt Chiêm Thành, người miền Trung theo vào đây lập nghiệp, lấy tên một vùng đất ngoài đó đặt tên cho làng của mình.

Cánh rừng Cấm Miếu có diện tích khoảng 10 ha. Ảnh: Sơn Thủy.
Từ nhỏ, ông Đăng đã thấy cánh rừng Cấm Miếu được bảo vệ nghiêm ngặt, không một ai dám chặt phá. Ở bìa rừng có một ngôi miếu nhỏ, nơi dân làng thờ cúng những người có công khai phá đất mới, lập làng.
"Sau ngày đất nước thống nhất, không muốn khu rừng bị chặt phá, những người đứng đầu các dòng họ trong làng đã soạn thảo một bản hương ước bảo vệ rừng", vị cao niên của làng Nghi Sơn cho biết.

Một cây mít cố thụ đến 2 người ôm mới xuể. Ảnh: Sơn Thủy.
Bản hương ước quy định tất cả cư dân trong làng Nghi Sơn từ già đến trẻ phải có trách nhiệm giữ rừng, bậc làm ông, làm cha phải dạy dỗ con cháu không chặt phá cây; ai vào đốt than, đốn củi thì bị phạt tiền, lúa gạo, những người vi phạm nhiều lần sẽ bị trục xuất ra khỏi làng. Người ngoài vào xâm hại đến rừng, làng phát hiện sẽ giữ lại và phạt nặng mới thả về.
"Cứ đời này qua đời khác, người dân Nghi Sơn coi rừng như tính mạng của mình. Mất rừng là mất làng. Cánh rừng là báu vật, nó là tấm bình phong che chở dân làng mỗi mùa gió bão. Rừng giữ làng, làng phải giữ rừng", ông Đăng nói.
Người trong làng tin rừng xanh tốt thì con dân trong làng ăn nên làm ra. "Cả vùng này không có làng nào mà con em đậu đại học nhiều như Nghi Sơn. Các xã bên cạnh chưa có tiến sĩ nào nhưng làng tôi có đến mấy người rồi", ông Đăng tự hào nói và cho biết thêm trải qua hàng trăm năm, nay ở làng Nghi Sơn có hơn 30 dòng họ, với 150 hộ, trên 700 nhân khẩu.

Cánh rừng có hàng trăm cây cổ thụ. Ảnh: Sơn Thủy.
Ông Trần Phước Vũ, Bí thư chi bộ làng Nghi Sơn, cho biết rừng hiện có trên 100 cây cổ thụ, gồm gỗ lim, mít, sơn, oánh... "Gỗ mít hiện bán gần 20 triệu đồng một mét khối, cánh rừng này có đến cả nghìn mét khối, nhưng với người dân đừng nói tiền triệu mà trăm tỷ đồng cũng không ai dám đụng đến thân cây", ông Vũ quả quyết.
Ông Trần Anh Toàn, phó chủ tịch xã Quế Hiệp, cho hay để tăng thêm vẻ đẹp của cánh rừng, người dân góp tiền mua nhiều cây gỗ về trồng. Hiện có hàng trăm cây sao đen được bà con trồng phía ngoài bìa rừng.
"Chính quyền mong muốn có doanh nghiệp vào đây đầu tư khu du lịch sinh thái để phát triển được giá trị của cánh rừng quý hiếm", ông Toàn nói.
Sơn Thủy