Khoảng 15h chiều 11/3, cần trục chuyên dụng của ngành đường sắt bị lật khi tham gia giải phóng hiện trường vụ tai nạn tàu hỏa, đã được cứu hộ thành công, đặt trở lại đường ray. Tuy vậy, cần trục chưa thể di chuyển vì cánh tay cẩu hướng ra phía Quốc lộ 1A, chưa quay về vị trí ban đầu.
Khoảng một tiếng sau, chiếc cẩu nặng 100 tấn này lại trật bánh khỏi đường ray, đổ nghiêng về phía ngược lại so với vị trí ban đầu.
Quan sát của VnExpress cho thấy, các trục bánh bị nghiêng 45 độ về phía triền cát, cánh tay cẩu chổng lên trời.
Để cứu hộ cần trục này, hai cần cẩu 100 tấn được điều động từ TP Huế ra, kết hợp với một cần cẩu từ TP Đồng Hới (Quảng Bình) vào. Một máy múc được huy động đến hiện trường để hỗ trợ.
Khu vực đường ray nơi cần trục gặp nạn kẹp giữa Quốc lộ 1A và một triền cát khá cao. Hai chiếc cẩu đậu song song phía Quốc lộ 1A, trong khi triền cát phía bên kia không cho phép ôtô trọng tải lớn đi vào.
Quá trình cứu hộ chiếc cần cẩu, một số hư hỏng xuất hiện trên thiết bị được nhập khẩu từ Đức. Một thanh nhíp rời ra, dầu nhớt chảy loang lỗ, tiếng kêu rít của kim loại va vào nhau xen lẫn với tiếng động cơ máy cẩu và tiếng hò của nhân viên ứng cứu.
Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính, cùng Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam Vũ Tá Tùng có mặt chỉ đạo tại hiện trường.
Ông Bùi Văn Tựu, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt Việt Nam cho biết, 200 cán bộ, công nhân đang tham gia cứu hộ các toa tàu và cần trục gặp nạn.
Tổng công ty đường sắt đã hỗ trợ gia đình lái tàu bị tử nạn Lê Minh Phú 30 triệu đồng, phụ lái tàu bị thương Hồ Ngọc Hải 10 triệu đồng. Trong ngày, 100 cán bộ, chiến sĩ công an huyện Hải Lăng, cảnh sát chữa cháy Quảng Trị, thanh tra giao thông, thanh tra đường sắt tham gia công tác bảo vệ hiện trường, phân luồng điều tiết giao thông.
Đến 17h30 cùng ngày, công việc cứu hộ cần trục gặp nạn vẫn tiếp tục. Tuyến đường sắt vẫn đình trệ.
Hoàng Táo