Sáng 18/8, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh của TP Hà Nội đã họp giao ban với các quận, huyện, sở, ngành về phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Phó chủ tịch quận Hoàng Mai, ông Trần Quý Thái cho hay, dịch trên địa bàn có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn phức tạp. Là quận trọng điểm có dịch sốt xuất huyết, suốt mấy tuần qua, toàn quận đã căng mình phòng chống, tất cả lực lượng đã được huy động, đặc biệt là cán bộ y tế.
Vì áp lực quá lớn, làm việc không có ngày nghỉ, một cán bộ đội chống dịch của Trung tâm Y tế quận và một Trạm trưởng Y tế đã làm đơn xin nghỉ. "Chúng tôi đang động viên các đồng chí này tiếp tục làm việc", ông Thái thông tin.
Theo ông Thái, ngoài lực lượng chuyên ngành, quận đã huy động cả quân đội để phun thuốc phòng dịch. Tuy nhiên, hiện nay quận gặp khó khăn do dân số đông, có hàng nghìn nhà trọ, hàng trăm bãi rác, nhiều khu đất trống, công trường xây dựng lớn và thiếu thuốc, máy phun.
“Với 18 máy phun làm việc liên tục, chỉ phun thuốc tại 3 phường trọng điểm cũng mất 8 ngày”, Phó chủ tịch Hoàng Mai nói.
Lãnh đạo quận Hai Bà Trưng cho hay, tỷ lệ hộ dân được phun thuốc phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn mới được 90%. Nguyên nhân là một số gia đình đi vắng đúng ngày phun thuốc, và có những gia đình chưa đồng thuận, cho rằng phun thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe và tư duy ngại cho người lạ vào nhà.
Quận Hai Bà Trưng chỉ ra bất cập về thủ tục mua máy phun thuốc, khi quận hỗ trợ trung tâm y tế kinh phí mua máy, nhưng gần một tháng vẫn chưa có máy.
Bà Lê Mai Trang, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, nêu một số cách làm mới của quận như yêu cầu công trường xây dựng trên địa bàn cho công nhân nghỉ nửa ngày để các lực lượng vào phun thuốc; niêm yết thông báo ở cửa nghĩa trang, người dân đến thăm viếng xong phải dọn đồ, tránh phát sinh bọ gậy. Chủ tịch UBND quận làm việc với mạng di động Viettel và trực tiếp soạn tin nhắn tuyên truyền phòng chống dịch gửi tới công dân dùng mạng này…
Phản hồi các ý kiến của quận Hoàng Mai, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho hay, thành phố có 12.000 lít hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết, hiện mới dùng 4.000 lít nên không có chuyện thiếu thuốc. Ông Hạnh đề nghị quận tăng cường các hình thức như phun bằng ôtô, phun mù nóng và phun cả vào ban đêm.
Phó giám đốc Sở biểu dương quận Hoàng Mai phát miễn phí màn cho sinh viên và người lao động tự do và khuyến cáo, ngoài việc nằm ngủ phải mắc màn, người dân có thể dùng gel bôi phòng chống muỗi đốt.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết “Bộ rất sốt ruột, Bộ trưởng liên tục họp, Bộ đang dồn nhiều lực lượng tinh nhuệ cho thành phố. Nhưng qua báo cáo hôm nay, thấy phòng chống dịch còn nhiều vấn đề”. Thành phố phải có giải pháp tổng thể hơn, một mình ngành y tế không thể giải quyết được dịch, phải huy động nhiều lực lượng tham gia, đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
“Bà con vẫn chủ quan lắm, chúng tôi đi kiểm tra thấy 10h đêm vẫn ngồi vỉa hè uống nước chè, uống bia rượu, mà muỗi rất thích đốt người có mùi rượu bia”, Thứ trưởng Y tế nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị, tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, đặc biệt một số đơn vị như ngành Giáo dục, Xây dựng phải vào cuộc quyết liệt hơn. Ngay cuối tuần này, ngành giáo dục phải hoàn thành phun thuốc phòng dịch tại toàn bộ cơ sở giáo dục do học sinh, sinh viên chuẩn bị trở lại trường.
Với những tổ chức, cá nhân không hợp tác, lãnh đạo thành phố giao các địa phương phối hợp cùng lực lượng công an thống kê, lập biên bản và đề nghị xử lý hành chính theo quy định. “Thống kê dịch có tạm thời chững lại nhưng dự báo thời gian tới thời tiết bất thường, mưa nhiều nên vẫn có nguy cơ dịch diễn biến phức tạp trở lại”, Phó chủ tịch thành phố cảnh báo.
Thống kê của Sở Y tế, từ đầu năm đến ngày 17/8, Hà Nội ghi nhận trên 17.300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết dengue, 7 người tử vong. Trong số này hiện chỉ còn trên 2.500 bệnh nhân (chiếm 14,8%) phải điều trị nội trú. Những ngày gần đây số mắc mới có xu hướng giảm. Cụ thể, ngày 14/8 có hơn 3.000 bệnh nhân; ngày 15/8 có trên 2.600 bệnh nhân; ngày 16 và 17/8 có khoảng 2.500 bệnh nhân. |