Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội Yên Bái có khu A, B nằm trên hòn đảo lớn giữa lòng hồ Thác Bà. Mặt nước bình yên, khung cảnh sạch sẽ, gọn gàng, con người lao động cần cù không như tưởng tượng về một nơi của những người vật vã vì thiếu ma túy. Mảnh vườn trước khoảng sân rộng có mấy học viên tỉ mẩn tỉa cành, trang trí cây cảnh.
Gần đó, vườn rau đang được chăm sóc bởi bàn tay của những người phụ nữ đã từng cầm vào thuốc phiện, heroin. Nhìn họ hăng say lao động và cười nói vui vẻ, chẳng ai nghĩ rằng đây là mô hình dành riêng cho người cai nghiện.
Bà Giàng Thị Su (xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) nhiều tuổi nhất trung tâm nhưng vẫn tỏ ra nhanh nhẹn và khá thân thiện. Gần 60 tuổi nhưng bà chẳng nhớ 7 đứa con (2 gái, 5 trai) đã sinh cho mình bao nhiêu đứa cháu.
Nghiện thuốc phiện mấy chục năm, không có tiền mua thuốc, bà giấu con cháu đi buôn thuốc phiện để có hàng dùng. Vậy là bà dính vào vòng lao lý. Sau khi thụ án về tội buôn bán ma túy, bà Su trở về nhà nhưng tái nghiện và được đưa vào đây. Xa con cháu để cai nghiện biệt lập, bà cũng mong sẽ bỏ hẳn được ma túy.
Một buổi lao động tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội tỉnh Yên Bái. |
Khu B là nơi ở và lao động của các học viên nam. Công việc bóc sắn và nghiền sắn có vẻ khá nhẹ nhàng so với sức của đám thanh niên trẻ và đàn ông. Cả nhóm hơn 10 người ngồi trước đống sắn, chỉ một loáng, sắn đã được phơi trắng xóa trên sân. Ngồi lặng lẽ ở góc sân là những người đàn ông đã luống tuổi cặm cụi đan rổ. Với công việc tỉ mẩn ấy, có lẽ trước đây bản thân họ cũng không nghĩ mình đủ kiên nhẫn để làm.
Ông Nguyễn Văn Ngọc đã 50 tuổi, quê ở thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên, Yên Bái) có bàn tay chai sần, khỏe mạnh rút từng sợi nan rồi buộc chặt. Chiếc rá cỡ đại sắp hoàn thành. Ông bảo, chiếc rá này dùng để vo gạo nấu cơm trong trung tâm. "Hầu như chẳng hôm nào làm đến 8 tiếng", ông nói.
Ông Ngọc có cậu con trai 21 tuổi, đang học cao đẳng ở Hà Nội. Nghỉ học, cậu vẫn đến thăm và động viên bố cai nghiện cho tốt để về với mẹ. Sự động viên của con cũng là động lực giúp ông có thêm nghị lực cai nghiện. Một năm sống giữa lòng hồ, có thời gian chiêm nghiệm, ông đã rút ra nhiều điều. Khi nghiện heroin, lúc nào trong đầu ông cũng chỉ nghĩ đến thuốc và làm sao để có nó, không quan tâm đến bất kỳ công việc nào khác.
Tại trung tâm, sau thời gian cắt cơn, sự tập trung cho công việc đã cuốn đi những đam mê nghiện ngập của ông. Không còn nhớ thuốc, chăm chỉ lao động và quyết tâm cai nghiện là những gì mà người đàn ông này đang tâm niệm.
Ông Lê Công Huấn và Bùi Văn Yên, Phó giám đốc Trung tâm cho biết, trong số 679 học viên cai nghiện tại đây có tới 40% người dân tộc thiểu số hút thuốc phiện, đặc biệt là cư dân ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu. Họ dùng thuốc phiện theo phong tục xưa rồi mắc nghiện, tán gia bại sản vì thuốc phiện. Khi hết tiền thì buôn thuốc để lấy tiền hút. Trường hợp của bà Giàng Thị Su là một điển hình.
Học viên trong trung tâm đa phần là người thuộc tỉnh Yên Bái, chỉ một số trường hợp cai nghiện tự nguyện ở nơi khác đến. Họ chọn điểm này để cai nghiện cũng bởi trung tâm có thế mạnh khác biệt. Đầu tiên phải kể đến là sự biệt lập với môi trường xung quanh, học viên ít có cơ hội bỏ trốn và tránh sự thẩm lậu ma túy.
Ngay từ khi vào trung tâm, cán bộ y tế sẽ xác định mức độ, thời gian nghiện của học viên để có phác đồ điều trị hợp lý và hiệu quả. 15 ngày đầu tiên sẽ dành để cắt cơn nghiện. Lúc này, học viên được bác sỹ và các y tá theo dõi sức khỏe chặt chẽ, sử dụng thuốc an thần nên việc cắt cơn diễn ra nhẹ nhàng.
Các bước tiếp theo sẽ là học tập, lao động trị liệu và tham gia sinh hoạt cùng các hội viên khác. Công việc lao động tại trung tâm có tăng gia chăn nuôi, phát triển đồi rừng, làm thuê cho một số doanh nghiệp. Cũng có hợp đồng có thể tạo nguồn thu cho trung tâm, dù muốn nhưng lãnh đạo trung tâm không dám nhận vì môi trường làm việc thiếu an toàn.
Sau hơn 700 ngày chữa bệnh, giáo dục tại đây, học viên đã tìm lại được tương lai khi có một số kiến thức về nghề như nghề nề, may, trồng trọt, chăn nuôi, làm mộc đủ để tự có công việc kiếm sống.
Nhiều học viên đã trải lòng qua lời tâm sự và những dòng thơ. Có người tự dằn vặt mình: "Đã lần nào ta nghĩ tới mẹ cha. Đã buồn lòng vì ta rơi nước mắt. Rất nhiều lần ta hình dung trước mặt. Nhiều bạn bè mà nay đã đi xa…”. Và có cả những lời động viên, khích lệ: “Tỉnh dậy đi em, trời đã sáng rồi… Ngẩng mặt lên và can đảm lên. Đứng thẳng người, đối đầu sự thật. Hãy bỏ qua những gì đã mất. Nắm chặt tay để bước vào đời”.
Theo Công an nhân dân