Theo người dân, hai ngày nay cá lồng nuôi trên sông Bưởi tiếp tục chết với số lượng dày đặc. Cá chết chủ yếu ở lồng nuôi của các hộ dân xã Thạch Cẩm và Thạch Định (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa).
Tính đến sáng 16/5, khoảng 1,1 tấn cá nuôi lồng của 10 hộ gia đình (7 hộ ở xã Thạch Cẩm và 3 hộ ở xã Thạch Định) bị chết và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đa phần cá chết là loài trắm cỏ, chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, trọng lượng trung bình từ 2 đến 4 kg mỗi con.
Gia đình ông Nguyễn Văn Giàm (ở thôn Thành Quang, xã Thạch Cẩm) có gần 500 kg cá chết trong ba ngày qua. "Đàn cá đang khỏe mạnh tự nhiên yếu dần, bỏ ăn và chết lải rải, sau đó chết trắng lồng", ông Giàm buồn bã.
Ông Vũ Trọng Hùng, Chủ tịch UBND xã Thạch Định cho hay, hiện tượng cá chết đột ngột chưa rõ nguyên nhân khiến người dân rất lo lắng. Để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, UBND huyện Thạch Thành đã chỉ đạo các địa phương tiến hành tiêu hủy ngay số cá chết, không để bà con đem bán ra thị trường hoặc dùng chế biến làm thực phẩm. Nhiều miệng hố lớn nằm cách xa khu dân cư được lực lượng chức năng đào để chôn xác cá. Trước khi lấp đất, hố tiêu hủy và cá được phun hóa chất cẩn thận.
UBND huyện Thạch Thành cũng chỉ đạo các ngành liên quan kiểm đếm số lượng cá chết đồng thời lấy mẫu nước, mẫu cá gửi cơ quan chức năng tìm nguyên nhân.
Còn ông Phạm Lâm Đồng, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Định, cho hay cả chính quyền và người dân đều dự đoán được tình hình cá tiếp tục chết nhưng không thể cứu vãn. "Nước sông Bưởi đang ô nhiễm nặng nề, nhưng bà con không thể di chuyển lồng bè đi nơi khác. Người dân có đánh bắt lên để bán thời điểm này thì cũng chẳng ai mua", ông Đồng nói.
Theo thống kê của UBND xã Thạch Định, địa bàn xã có tất cả 16 hộ nuôi cá lồng bè và sinh sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông Bưởi. 10 ngày nay, sau khi cá chết hàng loạt, cuộc sống của 16 hộ dân (67 nhân khẩu) đang gặp nhiều khó khăn. Chính quyền xã đã tạm trích ngân sách hỗ trợ mỗi khẩu 10 kg gạo.
Không chỉ người nuôi cá lồng thiệt hại nặng nề mà nhiều hộ trồng lúa ở huyện Thạch Thành cũng lo không có nguồn nước tưới.
“Chuyện con cá chết là đã đành. Nhưng điều chúng tôi lo lắng nhất là 60% lúa chiêm xuân muộn (117 ha) của xã đang vào thời kỳ trổ bông. Nếu trời không mưa thì diện tích lúa này có nguy cơ mất trắng. Bởi dòng sông Bưởi bị ô nhiễm nặng nên không thể bơm nước tưới cho lúa và hoa màu được”, ông Phạm Lâm Đồng lo lắng.
Nhận định cá trên sông Bưởi sẽ tiếp tục chết vì nước ô nhiễm vẫn chưa trôi hết, ông Phạm Trọng Dũng, Phó bí thư Huyện ủy Thạch Thành thông tin thêm: “Huyện đang chỉ đạo các phòng ban liên quan nắm bắt tình hình, lập biên bản, thống kê số lượng và tổ chức tiêu hủy đúng quy định”.
Theo ông Dũng, toàn bộ diện tích lúa, hoa màu của bà con 15 xã ở huyện Thạch Thành đang rất cần nước tưới. Nhưng các cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức về mức độ ô nhiễm, loại hóa chất gì. Vì vậy 22 trạm bơm tưới của huyện không được lấy nước từ sông vào.
Hàng nghìn hộ nhiều năm nay dùng nước sinh hoạt lấy từ sông Bưởi nay phải lấy nước từ hồ Đồng Ngư (cách thị trấn 7 km) về để sinh hoạt.
Trước đó từ sáng 4/5, nhiều người dân ra sông Bưởi (đoạn chảy qua xã Thạch Lâm, Thạch Thành, Thanh Hóa) phát hiện cá chết nổi khắp lòng sông. Nước sông chuyển màu xanh đục và bốc mùi hôi. Những ngày tiếp theo, cá lồng nuôi của nhiều hộ phía hạ lưu sông Bưởi cũng chết hàng loạt. Phạm vi ghi nhận cá chết ước tính 30 km dọc sông. Tính đến sáng 7/5, khoảng 17 tấn cá lồng đã bị chết.
Nhà chức trách xác định "thủ phạm" là chất thải của Công ty CP mía đường Hòa Bình (có trụ sở đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình). Hôm 11/5, Nhà máy đường Hòa Bình đã chấp nhận phương án đền bù 1,4 tỷ đồng cho các hộ dân nuôi cá.
Cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cũng xử phạt Công ty CP mía đường Hòa Bình gần 500 triệu đồng. Ngoài xử phạt hành chính, doanh nghiệp còn bị đình chỉ 6 tháng, buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi xả nước thải chưa qua xử lý và xả nước thải ra nguồn nước khi chưa được cấp phép.
>> Ảnh chất thải đặc quánh đầu độc sông Bưởi
Lê Hoàng