Ngày 13/4, phiên họp thứ tư của Hội đồng bầu cử quốc gia được tổ chức tại Hà Nội. Chủ trì phiên họp là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng.
Báo cáo về tình hình triển khai công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết, Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Mặt trận tổ quốc các tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử.
Kết thúc hội nghị hiệp thương lần hai, tổng số người được lập danh sách ở Trung ương và địa phương là 1.146 người (Trung ương 197, địa phương 949) trong đó có 154 người tự ứng cử.
Hội đồng bầu cử quốc gia họp ngày 13/4. Ảnh: MTTQ
Cũng theo ông Phúc, đến ngày 10/4 tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại tố cáo đã nhận được 149 đơn, thư. Qua nghiên cứu, tiểu ban xác định 142 đơn, thư liên quan người ứng cử và công tác bầu cử, trong đó có 17 đơn tố cáo người ứng cử đại biểu Quốc hội thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý.
Ngay sau hội nghị hiệp thương lần hai, Ban thường trực Mặt trận Tổ quốc đã gửi danh sách và tiểu sử tóm tắt của 197 người được giới thiệu ứng cử khóa 14 đến các địa phương để tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú nhận xét và biểu thị sự tín nhiệm với người ứng cử.
Đến hết ngày 11/4, 24 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri với người ứng cử thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương.
"Ngày 12/4, Ban thường trực Mặt trận đã nhận được đầy đủ 197 biên bản lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, bảo đảm đúng thời gian theo quy định của luật", Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Trần Thanh Mẫn cho biết.
Ông Mẫn cũng kiến nghị, Hội đồng bầu cử quốc gia có văn bản trả lời đơn tố cáo với người ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương để Ban thường trực Mặt trận báo cáo Đoàn Chủ tịch tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba; đồng thời cử đại diện tham dự hội nghị để giải thích về pháp luật và làm rõ những nội dung liên quan đến người ứng cử, nhất là các đơn tố cáo; phối hợp trong công tác hướng dẫn người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, báo cáo chương trình hành động nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Ứng cử viên đại biểu Quốc hội phải trải qua quy trình bầu cử thế nào? Đồ họa: Việt Chung.
Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Tòng Thị Phóng đề nghị Tiểu ban nhân sự giải quyết khiếu nại tố cáo cần xem xét hồ sơ bởi đây là khâu lâu nhất. Xem xét tư cách đại biểu là việc làm thận trọng nên cần giải quyết theo quy định của pháp luật; đồng thời bổ sung thông tin hoàn thiện hồ sơ người ứng cử để kịp giới thiệu cho cử tri.
Đồng tình với những kiến nghị của Mặt trận, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị một số thành viên trong Hội đồng bầu cử quốc gia có mặt tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba do Mặt trận tổ chức (ngày 14/4) để giải đáp pháp luật, khiếu nại tố cáo, chỉ đạo giải quyết đúng pháp luật, không được lòng vòng nếu không họ sẽ tiếp tục khiếu nại.
"Đơn thư nhận được thuộc cơ quan nào giải quyết như Thanh tra Chính phủ, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Bộ Công an thì có trách nhiệm xác minh, làm rõ”, bà Kim Ngân nhấn mạnh.
Xuân Hoa