Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Dịch tễ trung ương cho biết, Bệnh viện Nhi trung ương hiện ghi nhận 9 trẻ mắc ho gà, trong đó 5 ca tại Hà Nội, còn lại từ Hà Nam, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc. Việc ghi nhận các ca bệnh ho gà hiện nay là điều bình thường trong bối cảnh Việt Nam chưa thanh toán được bệnh. Dịch được dự đoán sẽ không xảy ra vì tỷ lệ tiêm chủng đạt cao.
Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cũng tiếp nhận một ca ho gà vào điều trị và đã được xuất viện.
Năm 2014 cả nước ghi nhận 107 ca mắc ho gà, trong đó tập trung ở các tỉnh phía Bắc như Hà Nội 23 ca, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng...
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng khẳng định người dân không nên quá lo lắng. Các trường hợp ho gà hiện nay là rải rác, chưa phải dịch. Tìm hiểu những ca tại Bệnh viện Nhi trung ương, Bộ nhận thấy có những cháu bị mắc do chưa tiêm văcxin hoặc không được tiêm đầy đủ.
Theo ông, việc gián đoạn tiêm văcxin có 2 nguyên nhân: những cháu lớn là do thời gian trước văcxin Quinvaxem bị gián đoạn, một số cháu không được tiêm chủng đầy đủ; với trẻ nhỏ, thời gian qua do khan hiếm văcxin dịch vụ, các bà mẹ cố chờ không cho con đi tiêm chủng.
"Các bà mẹ cần cho con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Không nên trông chờ quá nhiều vào văcxin dịch vụ, bài học về dịch sởi đã xảy ra rồi và giờ là đến ho gà", ông Phu nhấn mạnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, đang là mùa đông xuân, thời điểm nhiều bệnh nguy hiểm như sởi, rubella, ho gà... Do đó, cách phòng bệnh hiệu quả và an toàn nhất là cho trẻ đi tiêm phòng văcxin đầy đủ và đúng lịch. Bất cứ ai chưa tiêm đều có khả năng mắc ho gà. Những trẻ đã qua tuổi tiêm mà chưa tiêm thì vẫn có thể tiêm lại để phòng bệnh.
Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trẻ được tiêm văcxin phối hợp để phòng 5 bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib. Trong đó, tiêm mũi một khi 2 tháng tuổi, mũi hai khi 3 tháng và mũi ba khi 4 tháng. Trẻ tiêm thêm mũi thứ 4 nhắc lại khi được 18 tháng tuổi.
Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh này dễ lây lan qua đường hô hấp (ho, hắt hơi, ôm hôn...) khi trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh. Triệu chứng của ho gà rất giống với những chứng bệnh cảm thông thường nên nhiều gia đình có tâm lý chủ quan tự mua thuốc về chữa. Đến khi thấy trẻ ho nặng, bị tím tái mới đưa vào viện thì đã trong tình trạng nguy kịch vì suy hô hấp.
Theo đánh giá của Cục Y tế Dự phòng, ở Việt Nam, bệnh ho gà lưu hành trong cả nước. Khi chưa thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng, bệnh ho gà thường xảy ra và phát triển thành dịch ở nhiều địa phương, đặc biệt nghiêm trọng ở miền núi là nơi có trình độ kinh tế xã hội phát triển thấp. Trong vụ dịch, bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.
Nam Phương