Sáng 11/10, Bộ Y tế tổ chức lễ phát động Chiến dịch tiêm văcxin sởi-rubella tại THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dịch sởi ghi nhận tại 175 trong số 194 nước trên thế giới. Hầu như những người chưa có miễn dịch, chưa được tiêm chủng hoặc chưa bị sởi thì đều có thể mắc. Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai nếu mắc bệnh rubella có thể gây hội chứng rubella bẩm sinh cho trẻ.
Bộ Y tế tổ chức tiêm văcxin sởi-rubella cho 23 triệu trẻ 1-14 tuổi từ tháng 9/2014 đến tháng 2/2015. Mục tiêu đạt tỷ lệ tiêm chủng cho 95% số trẻ trong diện được tiêm. Bộ đã tiếp nhận và cung cấp hơn 9 triệu liều văcxin cho các tỉnh, thành, đảm bảo đủ văcxin; đồng thời hoàn thành việc tập huấn cho các bộ các tuyến tại 63 tỉnh, thành.
“Đây là văcxin 2 trong 1 duy nhất được Tổ chức Y tế Thế giới cấp giấy chứng nhận đạt chất lượng tiền thẩm định. Đến nay đã có gần 800.000 trẻ được tiêm, chỉ một số ít bị sốt nhẹ. Điều này cho thấy việc tiêm chủng diễn ra an toàn, hiệu quả”, Bộ trưởng Tiến nói.
Chiến dịch tiêm văcxin sởi-rubella của Bộ Y tế triển khai cho hơn 23 triệu trẻ 1 tuổi đến 14 tuổi. Để giải đáp các thông tin liên quan, người dân có thể gọi đến 2 số đường dây nóng sau: |
Nhắc lại sự việc cách đây vài tháng hơn 30.000 trẻ em tại Việt Nam mắc sởi, hơn 100 trẻ không qua khỏi, ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng “đây là một thảm kịch mà đáng nhẽ chúng ta có thể phòng tránh được”.
“Vào thời điểm đó, nhân viên của tôi đã gặp một bà mẹ trẻ, có một cháu 2 tuổi đang ốm nặng. Chị đã không phòng cho con vì lo sợ những thông tin tiêu cực về tiêm chủng. Khi thấy con mình phải chịu đựng bệnh tật, chị đã rất hối tiếc với quyết định của mình”, ông Youssouf nói.
Tiêm chủng mở rộng là một trong những biện pháp can thiệp y tế có hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất. Ông đề xuất Bộ Y tế Việt Nam cần tiếp cận tới mọi trẻ em và đảm bảo không có trẻ nào bị sốt. Những trẻ Chương trình tiêm chủng chưa tiếp cận được là những trẻ dễ bị tổn thương nhất.
Nam Phương