Ngày 24/2, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì cuộc họp sơ kết công tác tổ chức và quản lý lễ hội 2017. Ông Thiện cho rằng mùa lễ hội đầu xuân Đinh Dậu có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với năm trước, số lễ hội phản cảm giảm dần. Ngành văn hóa đã giải tỏa được một số lễ hội phản cảm như treo trâu ở Yên Bái, năm thứ 2 lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) không tổ chức chém lợn giữa sân đình.
Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Các lễ hội mà báo chí nhiều năm phản ánh có hiện tượng bạo lực như cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ), tranh cướp hoa tre ở lễ hội Gióng (Hà Nội), chen lấn tranh cướp lộc ở đền Trần (Nam Định)… cũng được quản lý quy củ hơn.
Bộ trưởng Văn hóa lấy ví dụ, trước đây hội Hiền Quan tổ chức cho người dân cướp phết tự do, nay chỉ cho 100 thanh niên chia 2 đội tham gia. “Đích thân tôi cùng các nhà khoa học đã nhiều lần lên hội thảo, thuyết phục người dân. Lúc đó chúng tôi nghĩ rất khó. Nhưng một năm ròng rã, cuối cùng người dân chấp thuận không tổ chức cướp phết tự do nữa”, ông Thiện nói và phân tích, ranh giới an toàn với không an toàn ở đám đông khó đoán biết và kiểm soát. Do đó, phải ngăn chặn bạo lực, hành vi phản cảm bằng việc giới hạn số lượng người tham gia.
Ban tổ chức lễ hội cướp phết Hiền Quan cũng làm các hàng rào ngăn cách khu vực trình diễn hội cướp phết với khu vực của du khách. Tuy nhiên, sau đó người tham dự quá đông, không kiểm soát nổi.
“Người ta đã chia 2 đội, đùng cái những người khác nhảy vào cùng tham gia. Lúc đó hàng vạn người, công an không cản nổi”, ông Thiện chia sẻ về sự cố vỡ trận ở lễ hội cướp phết Hiền Quan và cho rằng, lỗi chính ở đây là ý thức của một bộ phận người dân. Để thay đổi ý thức này, theo Bộ trưởng Văn hóa, không thể trong một vài ngày mà phải cả quá trình và không dùng mệnh lệnh hành chính để ép buộc các vấn đề văn hóa truyền thống. Mệnh lệnh hành chính chỉ sử dụng khi vận động, thuyết phục đã chín muồi.
Bên cạnh chia sẻ khó khăn với địa phương về việc giữ gìn và phát huy lễ hội trong bối cảnh hội nhập, cơ chế thị trường, Bộ trưởng Văn hóa cũng đề nghị kiểm điểm nghiêm khắc, thậm chí có thể xử phạt ban tổ chức các lễ hội để xảy ra hiện tượng phản cảm, đặc biệt với lễ hội không được cấp phép.
Tuy nhiên, ông lưu ý cán bộ văn hoá ở các địa phương "không ôm vào những gì mà chúng ta không phải chịu trách nhiệm". Theo ông, lễ hội có rất nhiều vấn đề từ văn hóa, giao thông, an ninh trật tự… Bộ Văn hóa phụ trách chung, nhưng trách nhiệm chính là ở nội dung văn hóa. "Phải thẳng thắn chỉ rõ trách nhiệm của từng ngành, từng người thì mới dần khắc phục được các tồn tại", ông nói.
Yêu cầu đặt ra các mục tiêu rõ ràng: Loại bỏ/giảm vấn đề phản cảm gì, ở lễ hội nào, làm thế nào để giảm… cho mùa lễ hội năm sau, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tự tin “chắc chắn chúng ta sẽ làm được”.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, PGS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng những phản cảm ở lễ hội là do suy thoái đạo đức của từng cá nhân tham dự. Sự suy thoái này, không chỉ một vài năm là khắc phục được. Ông đề xuất xây dựng chương trình giáo dục di sản văn hóa ở các di tích quốc gia, đồng thời đưa ra bộ quy tắc ứng xử trong lễ hội, để xử lý dần các hiện tượng phản cảm nêu trên.
Video: Hội cướp phết lớn nhất miền Bắc năm 2017 lại 'vỡ trận'
Trước đó tại cuộc làm việc với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sáng 14/2, ông Mai Tiến Dũng (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng) cho biết, lãnh đạo Chính phủ đã nhắn nhủ ông yêu cầu Bộ trưởng Văn hóa lên tiếng về những hoạt động phản cảm trong các lễ hội.
"Nếu Bộ trưởng Văn hóa ngại thì báo cáo để Thủ tướng lên tiếng", ông Mai Tiến Dũng đề nghị.
Quỳnh Trang