Chiều 10/1 tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức lễ hội năm 2016, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, ngành văn hóa đã yêu cầu ngừng tổ chức các lễ hội chọi trâu song một số địa phương vẫn "lách luật" bằng tổ chức thi trâu khỏe, hội chọi trâu. Ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội), Ban tổ chức xin thi trâu kéo khỏe để được cấp giấy phép tổ chức song sau đó tổ chức chọi trâu.
Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Bình Phước đã dừng không tổ chức hội chọi trâu song vẫn đề nghị Bộ Văn hóa cho tiếp tục triển khai. Đến nay, Bộ chỉ cho phép Hải Phòng duy trì tổ chức hội chọi trâu Đồ Sơn.
"Chúng tôi yêu cầu Hải Phòng ngăn chặn thương mại hóa lễ hội chọi trâu như không được cá độ, bán thịt trâu mà chia thịt về các gia đình như truyền thống", bà Thủy nói.
Bà cũng cho hay, một số địa phương còn đề nghị tổ chức lễ hội chọi chó, dê, ngựa... song đều là các cuộc thi biến tướng và có tổ chức cá độ, cần phải ngăn chặn.
Theo ông Lê Văn Quang, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Phước, mặc dù ngừng tổ chức hội chọi trâu song đây là lễ hội truyền thống lâu đời nên nhiều người dân mong muốn được tổ chức lại. "Nếu việc tổ chức lễ hội đảm bảo thuần phong mỹ tục, không gây phản cảm, không cờ bạc trá hình thì mong Bộ Văn hóa xem xét kỹ, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức bảo tồn giá trị di sản", ông Quang kiến nghị.
Để chuẩn bị công tác lễ hội năm 2017, lãnh đạo ngành văn hóa khẳng định kiên quyết không tổ chức các hội chọi trâu ở các địa phương. Các địa phương cần quản lý tốt lễ hội, từng bước loại dần các hành vi thương mại hóa, phản cảm.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng công tác tổ chức các lễ hội phức tạp như tục chém lợn, tế trâu, đền Trần... đã có xu hướng tốt lên. Tuy nhiên, nhiều lễ hội còn thương mại hóa, trục lợi, không đáng tổ chức mà vẫn diễn ra làm mất ý nghĩa, giá trị văn hóa truyền thống.
"Vẫn còn nhiều hoạt động bạo lực, tranh cướp trong lễ hội", Bộ trưởng nói và dẫn chứng tại lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh, ngành văn hóa đã thuyết phục, giải thích với cộng đồng dân cư nên không xảy ra các hành động giết lợn phản cảm.
Bộ trưởng cũng yêu cầu xem xét lại cách tổ chức lễ hội đền Hùng, không nên chỉ tổ chức vào một ngày gây quá tải như năm vừa qua. Năm nay, Ban tổ chức cần rút kinh nghiệm, điều hành linh động, khi quá đông cần hạn chế người dân vào trong đền.
Bộ trưởng chỉ đạo không được thương mại hóa, làm biến tướng lễ hội song phải làm thế nào để thu hút người tham gia. Năm nay ngành đặt kế hoạch đón hơn 12 triệu khách du lịch nên yêu cầu lễ hội gắn với bảo tồn truyền thống và phát triển kinh tế. "Tháng giêng không phải là tháng ăn chơi mà là tháng thu hút khách du lịch nhiều nhất", Bộ trưởng bày tỏ.
Đoàn Loan