Người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy muốn làm rõ thông tin có hay không việc cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của bộ ngành khi ban hành một số văn bản. Điều này khiến họ có quyền nhiều hơn, thuận lợi hơn trong quản lý và "đẩy khó khăn về phía người dân". Là cơ quan thẩm định văn bản, Bộ Tư pháp có hướng gì khắc phục?
"Vừa thiết kế vừa thi công trong xây dựng cơ bản là không được, nhưng tình trạng vừa soạn thảo vừa xử lý chính sách lại đang khá phổ biến. Đây là nguyên nhân khiến việc triển khai chính sách không hiệu quả", đại biểu Thúy nêu quan điểm và yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp đưa ra giải pháp.
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng vấn đề phát mãi tài sản thế chấp không có nơi nào thủ tục nhiêu khê phức tạp như Việt Nam. "Một tài sản phát mãi phải mất bốn năm do vấn đề phi thị trường làm tắc nghẽn", ông nêu.
Cũng như đại biểu Kim Thúy, ông Trần Du Lịch cho rằng Bộ Tư pháp dường như nể nang để lợi ích cục bộ cho các bộ khác khi ban hành văn bản, nhằm "quyền nặng cho mình mà trách nhiệm nhẹ đi".
Trả lời đại biểu Kim Thúy, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết Bộ được giao thẩm định từ văn bản từ cấp Chính phủ trở lên, còn thông tư do các bộ thẩm định. Quy trình thẩm định của Bộ Tư pháp rất chặt chẽ như thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập, thẩm định, lấy ý kiến, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ trong 60 ngày.
Bộ trưởng cho rằng vấn các đại biểu có lý khi quan ngại, song cũng là do "cách nhìn của mỗi đại biểu". Hiện Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ cho xây dựng đề án thí điểm kiểm soát tập trung các thông tư tại một số lĩnh vực gắn chặt lợi ích người dân.
Câu trả lời này của người đứng đầu Bộ Tư pháp được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng chưa tập trung vào nội dung, cần nói rõ "có hay không lợi ích nhóm ở đây".
Sau giờ nghỉ giải lao, tái trả lời đại biểu Kim Thúy, Bộ trưởng Cường thừa nhận có xu hướng không quản lý được thì cấm nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý hơn là tính đến quyền lợi của người dân. Các vấn đề này đang được xem xét thận trọng, nhất là văn bản về thủ tục hành chính.
Trả lời câu hỏi về tình trạng ì trệ phát mãi tài sản, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết hoàn toàn đồng tình nhận định này của đại biểu Trần Du Lịch. Nguyên nhân theo ông là do cơ chế bao cấp về cách đánh giá, định giá tài sản. "Luật quy định cho người chủ sở hữu yêu cầu đánh giá đi đánh giá lại, không thừa nhận kết quả nên rất phức tạp. Biện pháp giải quyết là chúng ta đã sửa đổi Luật Thi hành án dân sự, chủ sở hữu chỉ được yêu cầu định giá một lần và nhiều cơ quan được đánh giá tài sản", ông Cường cho hay.
Bộ trưởng Cường nhận định, về vi mô có thể nói hệ thống pháp luật nước ta là phức tạp nhất thế giới. Nhiều chủ thể được ban hành văn bản pháp luật, thậm chí cả chủ tịch xã. Năm 2008, Chính phủ đã yêu cầu Quốc hội cho giảm hình thức văn bản, Quốc hội đã đồng tình giảm văn bản của Chính phủ, tuy nhiên các văn bản khác chưa giảm.
"Rất nhiều văn bản với nhiều chủ thể khác nhau nên hệ thống pháp luật rất phức tạp, rất khó tuân thủ và chi phí rất lớn", Bộ trưởng Cường nêu khó khăn.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết nhiều cơ quan, doanh nghiệp rất bức xúc về tình trạng quá nhiều văn bản, nghị định, thông tư khiến họ như lạc vào "rừng". Hiến pháp thì cho, luật tạo ra hành lang nhưng văn bản phía dưới lại tạo "rào chắn". "Hành lang pháp lý cho phép đi thẳng thì anh hướng dẫn vòng vèo, cái đó không trái nhưng khiến việc triển khai chậm chạp, dễ rơi vào bẫy này bẫy kia để buộc phải chung chi. Đây là lực cản rất lớn", ông Nghĩa nói.
Ví dụ nữa được ông Nghĩa đưa ra là các nhà đầu tư nước ngoài mỗi lần tiếp xúc với thủ tướng, chủ tịch nước... đều rất phấn khởi nhưng khi quay về với công việc, gặp "rừng văn bản" để triển khai thì đều buồn, chán và nản. Doanh nghiệp phản ánh, tại một số nước thủ tục xin thành lập chỉ mất 3 ngày còn ở Việt Nam có khi 3 tháng. "Bill Gates muốn xin vào làm ở Việt Nam có khi cũng không được vì cần có bằng đại học và thời gian làm việc 5 năm. Các văn bản của chúng ta đang tạo ra rào chắn", ông Nghĩa nói.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho hay, về nguyên tắc các văn bản hướng dẫn phía dưới không được phép trái với Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Bộ Tư pháp sẽ rà soát kỹ việc này.
Quan tâm đến việc văn bản dưới luật vừa thiếu, vừa tạo rào cản, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: "Công tác xây dựng pháp luật đang vô cùng có vấn đề".
Chủ tịch Quốc hội cũng quan ngại về việc Bộ Tư pháp cho hay có tới hơn 310 văn bản vừa bị phát hiện vi phạm pháp luật. "Liệu đã gây hậu quả gì chưa, nếu người ta căn cứ vào đó mà thực hiện thì gay go rồi. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, Bộ Tư pháp cần tìm cách giải quyết", ông đề nghị.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng cho rằng tình trạng trên khiến đại biểu chưa thể yên tâm, tuy nhiên trong báo cáo chưa đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu, hướng tháo gỡ cũng chưa đột phá và tích cực... "Là người đứng đầu Bộ có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp thấy có trách nhiệm gì? Tình trạng trên đến bao giờ mới khắc phục được?", ông Hùng chất vấn.
Nhiều đại biểu vào cuối giờ chiều hôm nay cũng đặt câu hỏi về báo cáo chỉ có 0,03% số luật sư cả nước có thể tư vấn bằng tiếng Anh, việc hơn 13% trong số các văn bản kiểm tra bị phát hiện có sai sót về nội dung và tới 43% không hợp hiến... Câu trả lời sẽ được Bộ trưởng Tư pháp đưa ra trong phiên đăng đàn ngày mai.
Đoàn Loan