-
17h30
Cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Chính phủ diễn ra chiều 2/6 với sự chủ trì của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cùng Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Trong nhiều vấn đề được đặt ra, việc tìm nguyên nhân thủy hải sản chết ở nhiều tỉnh như miền Trung, sau đó là Thanh Hoá, Đồng Nai, Vũng Tàu... được nhiều báo quan tâm.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các nghị định hướng dẫn thi hành đã quy định rõ, tuy nhiên thực tế việc đánh giá tác động môi trường của một số dự án đầu tư làm chưa tốt.
Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường, việc chấp hành pháp luật của nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình còn hạn chế, nhiều trường hợp còn xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công tác kiểm tra, thanh tra và phát hiện, xử lý vi phạm còn hạn chế, chưa nghiêm.
Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Hiện công tác điều tra, nghiên cứu, xác định nguyên nhân thủy hải sản chết bất thường được triển khai quyết liệt; nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, hỗ trợ thiệt hại cho người dân cũng đang được tiến hành khẩn trương.
Thủ tướng đã chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát các dự án, cơ sở sản xuất có xả thải ra môi trường, yêu cầu phải thực hiện đúng quy định về xử lý nước thải, về quan trắc tự động môi trường nước thải; xử lý nghiêm các vi phạm; khởi tố vụ án nếu có dấu hiệu tội phạm hình sự.
-
17h50
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Xin cảm ơn các nhà báo đã đặt câu hỏi. Liên quan tới vụ cá chết của các tỉnh miền Trung họp báo hôm nay chúng tôi có thể thông báo thế này:
Ngay sau khi phát hiện cá chết bất thường tại miền Trung, Thủ tướng và các Phó thủ tướng trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương. Hơn 30 cơ quan bộ ngành, địa phương tham gia vào cuộc thu thập chứng cứ, xác minh, tìm ra nguyên nhân vụ việc cá chết.
Chính phủ cũng mời hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác minh, điều tra nguyên nhân, dựa trên nguyên tắc: dựa vào khoa học, khách quan và chặt chẽ về tính pháp lý. Trong quá trình điều tra, quan điểm của Thủ tướng chỉ đạo là nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không loại trừ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Đến nay các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân cá chết.
-
17h55
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Trước khi kết luận chính thức việc này, Thủ tướng đã giao các cơ quan chức năng mời các nhà khoa học, tư vấn trong và ngoài nước phản biện độc lập. Vì xác định đây là vấn đề rất quan trọng, khi công bố phải đảm bảo chứng cứ, tính pháp lý và tính khách quan.
Thủ tướng cũng quyết liệt triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường kinh doanh, môi trường tự nhiên và nhất là đảm bảo môi trường biển an toàn lâu dài. Đây cũng là mong đợi của người dân.
Trước mắt, để kịp thời hỗ trợ người dân bị thiệt hại, ngày 19/5 Thủ tướng đã ban hành nghị định hỗ trợ gạo cho dân, tổ chức thu mua hải sản của ngư dân; hỗ trợ bằng tiền cho các tàu phải ngưng ra khơi; hỗ trợ lãi suất tiền vay với doanh nghiệp, chủ tàu làm nhiệm vụ hậu nghề cá.
Hiện Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xác định vùng biển an toàn đánh bắt thuỷ hải sản; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các dự án có khả năng liên quan tới xả thải trên phạm vi cả nước, mục tiêu phòng ngừa, kiên quyết xử lý vi phạm nếu các tổ chức, cá nhân xả thải không đúng quy định.
Tới nay, thay mặt cơ quan phát ngôn của Chính phủ xin được thông báo về kết quả của các cơ quan và nhà khoa học.
-
18h00
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Chia sẻ với các bạn vì chúng ta rất nóng lòng về thông tin này. Các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, việc điều tra nguyên nhân cá chết là của tập thể các nhà khoa học trong và ngoài nước nên cần sự phản biện một cách rốt ráo mới đủ cơ sở khoa học để kết luận chính thức. Bất cứ sự sơ suất nào trong xác định nguyên nhân cũng có thể dẫn tới sai lầm trong khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, nguyên nhân cá chết còn liên quan tới việc xác định thủ phạm gây ra nguyên nhân đó, nên việc xác định thủ phạm không chỉ bằng bằng chứng khoa học mà còn phải điều tra đầy đủ các bằng chứng vi phạm pháp luật, nhất là liên quan tới môi trường.
Việc cá chết hàng loạt tại miền Trung là sự cố môi trường nghiêm trọng chưa từng xảy ra, dư luận quan tâm tới nguyên nhân và cách xử lý hậu quả là xứng đáng. Chính phủ cầu thị lắng nghe ý kiến và có trách nhiệm thông tin nguyên nhân cho người dân biết.
Tôi hoan nghênh vừa qua nhiều cơ quan báo chí đã thông tin kịp thời, nhưng cũng nhiều cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận. Qua họp báo này chúng tôi yêu cầu các cơ quan báo chí nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc này.
Trao đổi bên lề cuộc họp báo, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết sẽ công bố nguyên nhân cá chết trong thời gian sớm nhất, ngay trong tháng 6 này.
Ngày 6/4, cá nuôi tại một số lồng bè ở xã Kỳ Lợi (Kỳ Hà) và Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh) thuộc tỉnh Hà Tĩnh chết hàng loạt. Một số cá tự nhiên cũng chết tại khu vực Sơn Dương, cửa sông Vịnh.
Hiện tượng này sau đó lan dọc hơn 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Thống kê đến ngày 25/4, 4 tỉnh ven biển phát hiện gần 70 tấn cá tự nhiên chết dạt bờ, chủ yếu là các loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên - Huế có tới 35 tấn cá nuôi bị chết.
Để tìm nguyên nhân cá chết, 7 bộ ngành cùng các trường, viện nghiên cứu đã vào cuộc. Các nguyên nhân về động đất, sóng thần, dịch bệnh được loại bỏ.
Tối 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra sơ bộ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung. Theo đó, độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa được khoanh vùng. Tuy nhiên thông tin này vấp phải sự phản ứng của giới khoa học và người dân.
Đầu tháng 5, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã mời các chuyên gia đến từ Đức, Mỹ, Israel tham gia việc tìm cá chết. Bộ Tài nguyên cũng thành lập đoàn liên ngành gồm đại diện các bộ và địa phương tổng kiểm tra Khu kinh tế Vũng Áng, nơi Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, có hệ thống ngầm xả thải ra biển. Đoàn liên ngành làm việc tại trụ sở Formosa từ ngày 4 đến 7/5.
Một tuần sau, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết đã có đủ cơ sở khoa học để xác định nguyên nhân cá chết. Ngày 25/5, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc khẳng định Bộ không ém thông tin.
Nhóm phóng viên