Tại cuộc họp về vấn đề chậm, hủy chuyến bay sáng 11/7, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá, tình trạng này đang rất nghiêm trọng, đồng loạt ở các hãng hàng không. Ông luôn nhận được tin nhắn bức xúc về máy bay hay hủy, hoãn chuyến, dịch vụ phí hàng không tại các sân bay quá lộn xộn, giá hàng hóa quá cao, có sân bay bán gần 100.000 đồng/bát mì... Trong bối cảnh máy bay nhiều mà số chuyến bay hủy, hoãn tăng lên là không bình thường.
"Một ngày tôi nhận rất nhiều tin nhắn báo hoãn, hủy chuyến, có Thứ trưởng tài chính phàn nàn là nhỡ hết cuộc họp, chả nhẽ tôi gọi cho Cục trưởng Hàng không yêu cầu xin lỗi", Bộ trưởng Thăng nói.
Theo Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh, nguyên nhân do những hỏng hóc kỹ thuật trước chuyến bay diễn ra nhiều gây chậm chuyến kéo dài và ảnh hưởng chuyến kế tiếp. Như máy bay Nha Trang - Hà Nội của Jetstar Pacific hôm 10/7 đã hỏng một khối máy làm chậm chuyến nửa ngày. Ngoài ra, thời gian quay đầu máy bay dày đặc, như Vietnam Airlines tần suất quay đầu 40-60 phút, còn các hãng khác chỉ 30 phút... "Chậm, hủy chuyến bay do chủ quan của các hãng chiếm 72%, chủ quan toàn ngành là 90%, còn lại là nguyên nhân khách quan", ông Thanh nói.
Trước thống kê đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: "Cục trưởng hàng không có nên làm tiếp khi nguyên nhân chủ quan tới 90%?". Ông Thăng chỉ ra rằng nguyên nhân cốt lõi là do máy bay ít khách nên các hãng dồn khách sang chuyến sau chứ không phải thiếu máy bay, giống như xe khách cố đi lòng vòng để đón khách.
Theo Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh, 6 tháng qua, tỷ lệ chậm, hủy chuyến ở Vietnam Airlines là 12%; các hãng Vietjet Air, Jetstar Pacific là trên 40%. |
"Cục trưởng chưa nhận ra khuyết điểm thì chưa có giải pháp hữu hiệu được. Một khi Cục Hàng không vẫn vô cảm thì máy bay còn chậm, còn hủy", Bộ trưởng Thăng nói và chỉ ra biện pháp đầu tiên là đổi mới toàn diện, triệt để Cục hàng không để thấy được sự trì trệ của mình.
Tại cuộc họp, ông Đỗ Quang Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty quản lý bay, khẳng định ngay, đơn vị này không liên quan hủy chuyến, chậm chuyến. Song Bộ trưởng Thăng chỉ ra vụ việc mới đây ở sân bay Đà Nẵng, kiểm soát viên đã ra lệnh hai máy bay cất, hạ cánh cùng lúc suýt gây đâm nhau, may mà tổ bay phát hiện ra. Còn lãnh đạo cơ quan quản lý bay thừa nhận do thông tin kiểm soát viên tính chưa đúng.
Đề cập trách nhiệm của Cảng hàng không, Bộ trưởng Thăng cho rằng, cơ quan này mắc các lỗi đơn giản như thiếu thang phục vụ khách, khi khách xuống máy bay thì không mở cửa cho khách vào sân bay... "Tôi đã ít nhất 3 lần phải gọi người để bảo mở cửa cho hành khách. Đó là trách nhiệm của cảng hàng không, chứ không phải lỗi của hãng hàng không", ông Thăng nói.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng, doanh nghiệp không tự hủy chuyến bay vì ít khách mà đưa nguyên nhân do sân bay quá tải, như sân bay Hải Phòng chỉ có năng lực khai thác có 3 chuyến giờ cao điểm song mới đây có thêm hãng Vietjet vào kinh doanh gây thiếu bãi đỗ, thiếu xe thang...
Giám đốc điều hành Hãng Vietjet Air Lưu Đức Khánh cũng nhận trách nhiệm trước tình trạng chậm, hủy chuyến và đưa ra các nguyên nhân khó khăn của hãng này là toàn bộ dịch vụ mặt đất phải thuê nên bị động. Ví dụ, có nhiều chuyến bị chậm vì thiếu xe thang, xe buýt, do đơn vị mặt đất phục vụ chuyến bay khác gần giờ... Tuy nhiên, ông Khánh vẫn kỳ vọng đạt 95% các chuyến bay đúng giờ vào tháng 9 tới.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, các đơn vị quản lý nhà nước như Cục hàng không, Vụ vận tải đã đều đổ lỗi cho hãng hàng không, chưa vì lợi ích của người dân.
"Chúng ta còn coi thường hành khách, thiếu sự tôn trọng, bắt các thượng đế lang thang ở sân bay, nhân viên thì có thái độ không tốt. Các đơn vị chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình, lỗi lớn nhất là không nhận ra lỗi của mình", ông Thăng nói.
Bộ trưởng cũng cho rằng, hiệu quả quản lý nhà nước của Cục Hàng không không cao, các hãng cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, các cơ quan phải kiểm điểm trách nhiệm liên quan việc hủy, hoãn chuyến trong 6 tháng qua.
Ngoài ra, Bộ trưởng Thăng yêu cầu nghiên cứu sửa Luật hàng không để có biện pháp xử lý trách nhiệm các đơn vị như thu giấy phép kinh doanh nếu có hãng hủy chuyến nhiều.
"Hiệu quả kinh tế nhất là lợi ích của khách hàng. Nếu anh tiếc một chuyến nên dồn khách lại thì mất niềm tin của khách", Bộ trưởng Thăng nói và yêu cầu hãng Vietjet Air phải đạt 95% máy bay đúng giờ từ tháng 9, hãng Jetstar Pacific phải có 95% máy bay đúng giờ vào tháng 11.
Đoàn Loan