Sáng 28/7, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã chủ trì buổi làm việc kéo dài 4 tiếng với các bộ, ngành cùng 3 địa phương Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM.
Theo Tổng cục trưởng Môi trường Bùi Cách Tuyến, đến nay, Công ty Vedan đã sửa chữa những vi phạm theo đúng tiến độ quy định. Công ty này cũng đã cam kết chịu trách nhiệm chi trả bồi thường thiệt hại về kinh tế và môi trường, đồng thời hỗ trợ người dân trong khu vực bị ảnh hưởng do việc xả thải của công ty gây ra.
"Tuy nhiên, tinh thần và thái độ của Vedan không nghiêm túc trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại. Sau nhiều lần họp, công ty vẫn giữ thái độ không thiện chí, cố tình trì hoãn, kéo dài vụ việc, viện nhiều lý do không chính đáng để mặc cả mức bồi thường, hỗ trợ", ông Tuyến nói.
Vedan đã nhiều lần trì hoãn bồi thường bằng việc "mặc cả" mức hỗ trợ với 3 địa phương. Cụ thể, với Đồng Nai từ 7 tỷ lên 15 tỷ và 30 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu từ 6 tỷ lên 10 tỷ đồng; TP HCM từ 7 tỷ lên 12 tỷ rồi 16 tỷ đồng. Trong khi, mức thiệt hại mà các địa phương này xác định bằng các cơ sở khoa học lần lượt là 119, 53 và 45 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hiến: "Kiện Vedan là chắc thắng". Ảnh: N.H. |
Đại diện các bộ, ngành và 3 địa phương tham dự buổi làm việc sáng nay đều cho rằng việc "mặc cả" mức bồi thường (phía Vedan dùng từ "hỗ trợ") của Vedan kéo dài gây nhiều bức xúc cho cả người dân lẫn chính quyền 3 tỉnh thành. Do mức chấp nhận bồi thường của Vedan quá thấp, lại không thỏa đáng, người dân và cơ quan chức năng của 3 tỉnh thành trên thống nhất khởi kiện công ty này ra tòa.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói: "Mức độ gây ô nhiễm đã được xác định, chứng cứ có đầy đủ, tôi tin nếu kiện Vedan chúng ta sẽ chắc thắng".
Theo ông Hiến, tỉnh đã huy động đoàn luật sư với gần 50 người để hướng dẫn bà con khởi kiện. Trong trường hợp cần thiết, sẽ tạm ứng án phí cho người dân.
Ý kiến của ông Hiến ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên. Ông Nguyên cho biết, trong 13 năm làm Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, năm nào ông cũng làm việc với Công ty Vedan nên hiểu rõ về doanh nghiệp này.
"Nếu đưa ra tòa, bên chịu thiệt hại chắc chắn là Vedan. Chúng ta có thừa chứng cứ để vạch tội Vedan, chỉ sợ không sử dụng hết, vì thế, ra tòa là chắc thắng", ông Nguyên nói.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: "Chúng ta có thừa chứng cứ để vạch tội Vedan, chỉ sợ không sử dụng hết". Ảnh: N.H. |
Ông Nguyên cũng nhắc lại rằng, với tư cách là doanh nghiệp đi đầu trong việc đầu tư vào Việt Nam từ những năm đầu 1990, Vedan đã có nhiều đóng góp. Vì thế, giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, quan điểm của Bộ Tài nguyên cũng như người dân các tỉnh thành là trên cơ sở dùng chữ "tình" đàm phán, không ai mong muốn ra tòa. Ngoài ra, những việc mà Bộ, địa phương và các ngành làm trong thời gian qua đều với thiện chí để Vedan sửa chữa sai lầm, chứ không phải để đuổi Vedan ra khỏi Việt Nam.
"Thực chất mức độ thiệt hại mà Vedan gây ra cho 3 tỉnh còn cao hơn nhiều lần mức đề nghị bồi thường. Chúng ta đã hết tình, hết nghĩa với Vedan, công ty này không chấp nhận thì đành phải dùng đến lý", ông Nguyên nói.
Để đi đến bước khởi kiện, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đề nghị Hội Nông dân Việt Nam làm đại diện, chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như tập hợp kiến nghị của bà con nông dân Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM.
Cũng trong buổi họp, đại diện Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho biết, Quỹ sẽ đảm bảo việc ứng án phí cho toàn bộ hộ nông dân đứng đơn khởi kiện Vedan. Đại diện các bộ Công an, Tư pháp khẳng định cũng sẽ sát cánh với Bộ Tài nguyên Môi trường, ủng hộ người nông dân hết mình.
Chiều 28/7, vài giờ sau cuộc họp tại Hà Nội và một ngày sau khi nông dân các tỉnh đồng loạt gửi đơn khởi kiện Vedan ra tòa, công ty này bất ngờ thông báo nâng tiền hỗ trợ cho nông dân cả 3 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và TP HCM lên gấp đôi mức đã đưa ra trước đây.
Gửi thư cho UBND TP HCM hôm nay, Tổng giám đốc Vedan Việt Nam Yang Kun Hsiang cho biết, nâng mức hỗ trợ thiệt hại cho nông dân Cần Giờ từ 16 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Tuy nhiên vì hoàn cảnh khó khăn của công ty, Vedan xin được trả 2 lần. Lần đầu trong 7 ngày tới và trả nốt vào ngày 10-14/1/2011. "Xin Ủy ban cho chúng tôi thêm một cơ hội để giải quyết thuận lợi, nhanh chóng vụ việc này", ông Yang Kun Hsiang viết trong thư.
Đối với nông dân tỉnh Đồng Nai, Vedan đề nghị được tăng mức hỗ trợ lên gấp đôi, tức từ 30 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng. Đồng thời, Vedan xin sẽ hỗ trợ nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 40 tỷ đồng, con số trước đây là 10 tỷ đồng. Hôm qua, hơn 200 nông dân tỉnh này đã gửi đơn ra tòa án huyện Tân Thành để đòi Vedan bồi thường hơn 53 tỷ đồng.
Trước động thái mới này của Vedan, luật sư Nguyễn Văn Hậu, đại diện cho nông dân TP HCM khẳng định sẽ vẫn kiện công ty này ra tòa. "Hai năm nay, Vedan liên tiếp đề nghị mức hỗ trợ từ 1,7 tỷ đồng lên 7 tỷ rồi 16 tỷ và giờ là 30 tỷ đồng. Đây như là một cuộc mặc cả, nhiều năm gây độc hại và đến nay Vedan vẫn chưa bồi thường cho người dân là không nghiêm túc", ông Hậu trao đổi với VnExpress.net.
Dự kiến ngày mai, các luật sư sẽ làm việc với tòa án và các bên liên quan để đầu tuần tới lần lượt nộp 839 đơn kiện của nông dân Cần Giờ. Nông dân TP HCM yêu cầu Vedan bồi thường 107 tỷ đồng.
Còn ông Trần Văn Cường, Trưởng ban thống kê thiệt hại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: "Quan điểm của tôi là khi Vedan đưa ra mức hỗ trợ mới, hội nông dân sẽ phải xin ý kiến của nông dân về việc có kiện hay không, vì chính nông dân là người chịu thiệt hại".
Nguyễn Hưng - Kiên Cường