Cuối giờ chiều 19/11, danh sách chờ đến lượt chất vấn người đứng đầu ngành nông nghiệp vẫn rất dài. Nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn trước an toàn của người dân trong tình hình thiên tai, lũ lụt vừa qua cũng như sự an toàn của các hồ chứa.
Là đại biểu của một trong những tỉnh có số hồ đập lớn nhất nước, ông Lê Nam (Thanh Hóa) cho hay, Thanh Hoá có những hồ đã hoạt động hàng chục năm, phát huy tác dụng lớn trong đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, việc chăm lo, bảo trì chưa tương xứng. Vì thế, đợt mưa lũ gần đây các hồ đều hoạt động vượt công suất thiết kế. “Nguy cơ mất an toàn hồ đập là rất lớn. Bộ trưởng có giải pháp nào ngăn ngừa thảm họa?”, đại biểu Nam chất vấn.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cả nước hiện có khoảng 6.800 hồ, trong đó 1.200 hồ có vấn đề và cần phải được tu bổ, sửa chữa. Năm nay, trong hơn 300 hồ hư hỏng, Chính phủ đã chi 500 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương, nhưng mới sửa được 90 hồ. Bộ Nông nghiệp đang sửa nghị định quản lý an toàn hồ đập, đồng thời đề nghị Quốc hội quan tâm dành kinh phí để sửa chữa.
Những con số được nêu ra khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ sự lo lắng: "1.200 đập có vấn đề thì Bộ trưởng suy nghĩ xem liệu có vỡ không? Chúng ta chưa đủ tiền hiện đại hóa nhưng cũng không được vỡ chứ? Nếu vỡ thì gay đấy, chỗ này là chỗ phải khẳng định. Bộ trưởng nói phải sửa mà không sửa là rất nguy hiểm. Chưa có tiền thì tìm cách báo cáo Chính phủ, Quốc hội để tính".
Trước thiệt hại lớn do trận lũ cách đây ít ngày ở miền Trung và Tây Nguyên, đại biểu Phan Văn Quý yêu cầu Bộ trưởng Nông nghiệp tham mưu cho Chính phủ để có cơ chế đột phá, giúp người dân sống chung với lũ.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, xây nhà tránh lũ là một giải pháp giúp người dân vượt qua mối đe dọa thường trực. “Bão Haiyan với những gì nhìn thấy ở Philippines làm cho chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều. Có thể nói đất nước chúng ta đã gặp may, nhưng không thể may mãi”, Bộ trưởng kiêm Trưởng ban Phòng chống lụt bão trung ương nói.
Tham gia giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay, Việt Nam có hai khu vực cần đặc biệt quan tâm tránh lũ là đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Với đồng bằng sông Cửu Long, lũ đem lại nguồn lợi lớn về thổ nhưỡng, nhưng nếu ngập diện rộng thì sẽ gây hại. Điển hình như đợt lũ năm 2000 làm chết 500 người.
Theo Bộ trưởng Dũng, thấy rõ tác hại này, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương xây dựng vùng dân cư ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long, đắp bờ bao, tôn nền. Giai đoạn một với tổng vốn 5.400 tỷ đồng đã hoàn thành với trên 800 cụm tuyến dân cư, bố trí cho 140.000 hộ khu vực ngập lũ ở, đạt 92% kế hoạch. “Cơn lũ gần đây thiệt hại đã giảm tối đa, bà con yên tâm sống ổn định hơn”, ông Dũng nói.
Giai đoạn hai, những vùng bị ngập trên 1,5m chưa có nhà kiên cố sẽ được hỗ trợ. Bộ Xây dựng đã lập đề án và được Chính phủ phê duyệt làm thí điểm 700 ngôi nhà chống lũ, có sàn cứng ở tầng một và hai, rộng 10-15m2. Trong đượt mưa lũ từ cơn bão số 13 vừa qua, những nhà này rất an toàn.
“Chính phủ đang chuẩn bị cùng Bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư nguồn vốn 5.400 tỷ đồng cho 40.000 hộ với tỷ lệ đóng góp mỗi hộ là 10 triệu đồng từ ngân sách, 15 triệu đồng vay ngân hàng chính sách, còn lại người dân bỏ ra để tập trung làm thời gian tới”, ông Dũng thông tin.
Người đứng đầu Bộ Xây dựng cho biết thêm, Bộ đã cử đoàn công tác sang Philippines ghi nhận ảnh hưởng của siêu bão Haiyan tới công trình xây dựng để có phương án ứng phó. Đoàn cũng tìm hiểu về ảnh hưởng của thực trạng nước biển dâng để nghiên cứu quy hoạch đô thị, vùng ven biển ngập lũ.
Ngày 20/11, Bộ trưởng Nông nghiệp tiếp tục phần chất vấn khoảng 30 phút đầu giờ để gút lại những vấn đề được các đại biểu đặt ra hôm nay.
Trong phiên họp chiều 19/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi với Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân: "5 năm nữa nền nông nghiệp của chúng ta có sánh được với Thái Lan?". Bộ trưởng Quân cho hay: "Trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chúng ta thua Thái Lan một số mặt, nhưng một số yếu tố tiềm ẩn cạnh tranh được. Giống lúa, giống cây, giống con ta không thua kém Thái Lan. Thực tế canh tác gieo trồng, năng suất Việt Nam cao hơn, nhưng ta thua nhiều nhất ở khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Từ nay đến 2020, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu biện pháp phòng trừ dịnh bệch, có hệ thống bảo quan sau thu hoạch tiên tiến…". |
Nguyễn Hưng