Tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 29/5, sau khi thông báo tóm tắt về tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đề cập tới tình hình diễn biến trên Biển Đông, đặc biệt là sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa của Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết, tại phiên họp ngày 29/5, Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận về tình hình Biển Đông. Theo đó, các thành viên Chính phủ thống nhất kiên trì đấu tranh bằng phương pháp hòa bình. Đồng thời cũng kiên nhẫn thực hiện các biện pháp chân thành, thể hiện tình hữu nghị của hai dân tộc. “Dân tộc đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên càng mong muốn được hòa bình ổn định nhưng sẽ kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền”, Bộ trưởng nói.
Ông Nên cũng lý giải thêm thông điệp của Thủ tướng với báo chí nước ngoài “không đổi chủ quyền lấy thứ hữu nghị viễn vông” rằng, tất cả người dân khi đất nước cần thì đều thể hiện lòng yêu nước, lãnh đạo càng phải thể hiện mình. Hai lần ra nước ngoài vừa qua, Thủ tướng đều chỉ đạo chọn lựa người có khả năng tiếp cận bạn bè quốc tế để thực hiện sứ mạng bày tỏ thái độ đấu tranh quyết liệt. Hồ Chí Minh đã dạy: “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Cái bất biến của Việt Nam là độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không ai đụng tới được, không điều gì có thể đánh đổi được ở bất cứ thời điểm nào.
"Câu nói của Thủ tướng không mới, chỉ là thể hiện tinh thần xuyên suốt của Đảng ta, tỏ rõ thái độ của Chính phủ để cả thế giới biết lập trường của ta trước sau như một", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Việt Nam đã chuẩn bị gì để khởi kiện Trung Quốc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên cho biết, từ lâu Việt Nam đã chuẩn bị hồ sơ pháp lý, cân nhắc thời điểm khởi kiện ra Tòa án quốc tế hoặc Hội đồng trọng tài quốc tế.
"Chúng ta đang cân nhắc, nếu Trung Quốc chịu ngồi lại đàm phán và thực hiện các yêu cầu của chúng ta một cách chân thành thì tình hình có thể khác", ông Nên nói.
Ông Trần Duy Hải - Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cũng loại trừ khả năng Việt Nam liên minh với quốc gia khác để chống lại nước thứ ba. Ông khẳng định, Việt Nam độc lập tự chủ, đấu tranh pháp lý là quá trình rất phức tạp, việc lựa chọn cơ quan nào để khởi kiện, kiện riêng theo vụ việc hay tham gia kiện chung đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu để đảm bảo lợi ích chính đáng.
Câu hỏi được nhiều người quan tâm là trong trường hợp Trung Quốc không rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chúng ta phải làm gì? Ông Nên chia sẻ 3 giải pháp chính mà Thủ tướng đã đưa ra. Theo đó, trên thực địa, các tàu chấp pháp Việt Nam phải luôn có mặt tại vị trí mới để cản phá và đẩy đuổi tàu Trung Quốc hoạt động trái phép. Sẽ có va chạm, nhưng Việt Nam kiên quyết và cố gắng kiềm chế. Trên mặt trận ngoại giao, Thủ tướng khẳng định chúng ta tiếp tục kiên trì và đấu tranh đến cấp cao nhất, nói rõ hành động sai trái của Trung Quốc, yêu cầu họ phải rút giàn khoan. Với giải pháp đấu tranh bằng con đường dư luận, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng Việt Nam cần cung cấp đầy đủ, trung thực, khách quan các hành động sai trái của Trung Quốc cho cộng đồng quốc tế. “Đấu tranh pháp lý cũng là biện pháp hòa bình. Hình thức này sẽ được cân nhắc để quyết định sử dụng vào thời điểm phù hợp, theo đúng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế”, ông Nên dẫn lời Thủ tướng.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, vừa qua, khi Trung Quốc có lệnh rút công nhân về nước, nhưng có nhiều người tin chúng ta bảo vệ họ, có người lên tàu vẫn bịn rịn không muốn về. "Nói thế để thấy ta không bài Hoa, không đối xử phân biệt", ông chia sẻ. Việt Nam cần nói cho nhân dân Trung Quốc hiểu thực tế không như luận điệu phía Trung Quốc. Thủ tướng đã chỉ đạo chú trọng giải pháp này, không chỉ cho dân ta nghe mà còn cần làm cho nội bộ người dân Trung Quốc hiểu.
Về chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, Bộ trưởng Nên cho biết, hôm nay Chính phủ đưa ra bàn thảo để thống nhất, sớm có chính sách với tinh thần: có tín dụng ưu đãi cho ngư dân đánh bắt xa bờ đóng tàu vỏ thép, đảm bảo đánh bắt an toàn, có hiệu quả. Chính phủ dự kiến cho ngư dân vay trong thời gian 10 năm với lãi suất 3%.
Trước băn khoăn về tình trạng nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc, Việt Nam sẽ có đối sách gì để giảm lệ thuộc, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công thương thông tin, tình hình kinh doanh, sản xuất ở biên giới hiện vẫn diễn ra bình thường. Tháng 5 vừa qua xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, nhất là hàng nông lâm sản. Không phải đến giờ Việt Nam mới nghĩ đến biện pháp tránh lệ thuộc vào một thị trường, mà đã có nhiều biện pháp được tính. Việt Nam đã nhắm đến nhiều thị trường như Nga, Nhật Bản, Châu Phi và đây được coi là biện pháp căn cơ để giảm phụ thuộc một thị trường.
Liên quan đến tình hình an ninh trật tự và xử lý các đối tượng gây rối tại Bình Dương, Hà Tĩnh, Bộ trưởng thông tin, Thủ tướng đã chỉ đạo cơ quan chức năng, công an địa phương ngăn chặn và xử lý nghiêm những người gây rối; đồng thời sàng lọc làm rõ trong số hàng nghìn người bị bắt, ai thật sự yêu nước bị kích động thì cảnh cáo, giáo dục, răn đe và thành phần này chiếm số lượng rất lớn. Thành phần có tiền án tiền sự, có hành vi cướp bóc, phá hoại rõ ràng thì phải xử lý theo pháp luật.
Theo quyền tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II Trung tướng Hoàng Kông Tư, có 46 công an bị thương khi làm nhiệm vụ trấn áp trong vụ gây rối. Đến nay, cơ quan công an đã xử lý hành chính 526 người có hành vi trộm cắp tài sản và đã nộp lại, cam kết không tái phạm. Riêng tại Hà Tĩnh đã khởi tố hình sự 32 đối tượng.
Ngày 3/5, Cục Hải sự Trung Quốc đơn phương thông báo triển khai giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 27/5, Trung Quốc di dời giàn khoan sang vị trí mới, cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng đông đông bắc, cách đảo Tri Tôn 25 hải lý về hướng đông đông nam và cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý.
Gần một tháng thực hiện hành động trái phép này trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc đã liên tiếp điều hàng trăm tàu, trong đó có cả tàu hộ vệ tên lửa, tàu rà mìn và máy bay bảo vệ khu vực này. Tính đến ngày 29/5, số tàu của Trung Quốc tại thực địa là 122 chiếc. Những tàu này sẵn sàng đâm va, vây ép và phun vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam khi tiến vào khu vực giàn khoan, tuyên truyền về chủ quyền và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Nhiều tàu cá của Việt Nam đã bị các tàu của Trung Quốc liên tục khống chế, xua đuổi, gây thiệt hại về tài sản. Lực lượng chức năng Trung Quốc đã có những hành vi đánh đập, gây thương tích, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam.
Kể từ khi Trung Quốc thực hiện hành động ngang ngược trên, Chính phủ Việt Nam đã có hơn 30 cuộc giao tiếp với đại diện Trung Quốc để yêu cầu nước này rút giàn khoan cùng tàu hộ tống và máy bay khỏi khu vực. Các tổ chức xã hội trong và ngoài nước cùng người dân lên tiếng mạnh mẽ, tổ chức mittinh nhằm khẳng định chủ quyền Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam.
Tại kỳ họp thứ 13, Quốc hội khóa 7, Biển Đông cũng là chủ đề “nóng”. Ngay từ buổi khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp khó lường, hòa bình và an ninh đang bị đe dọa. Trong thông cáo báo chí ngày 21/5, Quốc hội khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc.
Nhóm phóng viên