Chiều 13/3, lần đầu tiên trả lời chất vấn trước các đại biểu Quốc hội sau 2 nhiệm kỳ làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, ông Giàng Seo Phử chia sẻ rằng "Đây là cơ hội vàng để tôi trình bày, nói hết ý kiến của người nghèo trước Quốc hội và cử tri".
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé về kết quả của chương trình 135 hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt ông Phử cho biết, chương trình còn rất nhiều khó khăn do phải cắt giảm nhiều hoạt động để tập trung giải quyết các vấn đề quan trọng khác của đất nước.
Báo cáo trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Giàng Seo Phử xin ý kiến Quốc hội về việc xây dựng đề án đổi tên Ủy ban Dân tộc thành Bộ Dân tộc và xây dựng dự án Luật Dân tộc. Ông lý giải, nguyên nhân đổi tên là trong nhiệm kỳ 2011 – 2016 không còn cơ chế thành viên Ủy ban với sự tham gia của các thành viên là Thứ trưởng của các Bộ, ngành, hơn nữa hiện nay Ủy ban Dân độc cũng đang hoạt động theo bộ máy cơ quan cấp Bộ. |
Cụ thể, kinh phí đầu tư cho hơn 2.000 thôn bản theo quyết định 551 của Chính phủ mới đây đã điều chỉnh tăng lên mức 1,5 tỷ đồng mỗi xã trong một năm, nhưng do điều kiện vốn eo hẹp nên chỉ bố trí được 1 tỷ đồng cho mỗi xã. Con số này là do Quốc hội phê duyệt.
Trả lời câu hỏi về giải pháp đột phá cho chương trình 135, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc chia sẻ: "Tôi không thể có giải pháp đột phá gì được vì tăng hay giảm tiền đầu tư là thuộc thẩm quyền Quốc hội".
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé không hài lòng với câu trả lời của ông Phử. Bà cho rằng trước khi Quốc hội quyết thì Chính phủ phải báo cáo Quốc hội và đó cũng là kết quả tham mưu của nhiều Bộ, ngành.
"Để người dân thoát nghèo thì cần rất nhiều yếu tố như đất ở, đất sản xuất, tái định cư... nhưng giao đất ở, đất canh tác như thế nào lại không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Dân tộc", ông Phử nói và cho rằng, mục tiêu chương trình 135 có đạt được hay không tất nhiên đều có trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo là Ủy ban dân tộc, nhưng khi quyết sách, Quốc hội cũng có 1 phần trách nhiệm bởi thẩm quyền phân bổ ngân sách là của Quốc hội.
Ông Phử phân tích thêm, các chính sách dành cho dân tộc, miền núi cơ bản kết thúc vào năm 2015. Những chính sách này gần như đều là chính sách theo nhiệm kỳ nên chưa có hệ thống, không có kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Khi Quốc hội ra kết luận, mất khoảng 3 năm để thực hiện và người dân chỉ còn hơn 1 năm để thụ hưởng (vì mỗi nhiệm kỳ Quốc hội là 5 năm).
"Tỷ lệ nghèo chung của cả nước chỉ 8% thì tỷ lệ nghèo ở vùng sâu, vùng cao đã hơn 30%. Tôi mong Quốc hội giao các cơ quan nghiên cứu giảm nghèo cho vùng dân tộc vì đây là lõi nghèo của quốc gia", ông Phử nói và khẳng định chương trình giảm nghèo chưa thể kết thúc.
Ông cũng cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ đối với người dân ở vùng chiến khu, an toàn khu bởi chiến tranh đã lùi xa từ lâu nhưng cuộc sống của họ vẫn khó khăn.
Nhiều đại biểu nêu thực trạng dân di cư từ nơi này đến nơi khác, đặc biệt là đến Tây Nguyên gây nhiều khó khăn cho địa phương và đề nghị Bộ trưởng nêu cách khắc phục. Ông Giàng Seo Phử cho rằng, di dân là vấn đề của toàn cầu chứ không chỉ Việt Nam và không chỉ đồng bào dân tộc. Nếu như người kinh thì xu hướng di dân từ nông thôn về thành thị thì dòng di dân của đồng bào dân tộc là từ Đông sang Tây, tập trung đến vùng nhiều đất màu mỡ.
"Nếu nặng về phê phán, bắt rồi xử lý thì đó chỉ là phần ngọn, chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân họ đi. Có thể là nước vùng đấy không dùng được, đất đã hết màu mỡ...Vậy nên chăng, khi chúng ta đang thừa gạo, nhà nước hãy cung cấp gạo cho dân rồi yêu cầu họ trồng rừng và bảo vệ biên giới? Như vậy họ có cái ăn, ổn định cuộc sống, sẽ chống được việc di cư", ông Phử nói.
Với những người dân đã di cư đến Tây Nguyên, Bộ trưởng cho rằng cần có kinh phí cho tỉnh giúp họ ổn định cuộc sống, cho quỹ đất theo quy hoạch để họ có sinh kế, nâng cao thu nhập.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội cho biết, qua giám sát thì nghèo đói của đồng bào có nhiều nguyên nhân, trong đó là chất lượng nguồn nhân lực thấp. Đảng , Nhà nước đã quan tâm đến cử tuyển, nhưng nghịch lý là sinh viên ra trường chỉ bố trí việc làm được 2/3. Từ năm 2006-2010 có 12.000 cử nhân ra trường thì 4.000 không có việc. "Vậy có nên duy trì cử tuyển nữa hay không?", ông Lợi đặt câu hỏi.
Ông Giàng Seo Phử cho biết hiện có quyết định 34 nhằm giải quyết việc làm cho sinh viên chế độ cử tuyển. Tuy nhiên, sau khi các em tốt nghiệp thì địa phương lại không được gia tăng biên chế, quỹ lương nên rất khó để sắp xếp việc làm. "Chủ trương cử tuyển là rất đúng nhưng giải quyết đầu ra là vấn đề khó", ông Phử phân trần và đề nghị cơ chế, chính sách phân công, bố trí lao động xã hội cần hợp lý hơn.
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Ủy ban dân tộc làm việc theo nguyên tắc tập thể, hợp tác và phối hợp. Ủy ban có hơn 10 thứ trưởng của các bộ ngành nên là ủy ban tổng hợp, có vai trò vô cùng quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát và xem xét lại hệ thống chính sách đối với đồng bào dân tộc, hình thành hệ thống chính sách thích hợp trong tình hình mới. Gắn liền với đó là thực hiện chương trình mục tiêu cho phù hợp, rà soát lại để cuối năm trình quốc hội.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) nêu thực trạng nhiều nơi người dân không có cầu qua sông, suối, phải chui vào túi ni lông để sang. Nhiều cây cầu nghĩa tình đã được xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Về vấn đề này, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, Bộ đã cho rà soát và xác định hiện trên cả nước cần phải làm 4.150 cây cầu dân sinh, trong đó có hơn 3.500 cầu bê tông và 481 cầu treo. Bộ đã xây dựng kế hoạch thực hiện, theo đó giai đoạn 1 sẽ làm 168 cầu treo ở phía Bắc và Tây Nguyên là những vị trí cấp thiết nhất, dự kiến chương trình sẽ hoàn thành trong năm nay. Giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào tháng 3/2016 và số cầu còn lại sẽ xong vào 2017. Sau khi huy động vốn từ các cá nhân và doanh nghiệp, cộng với gần 400 tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước cấp, ông Thăng cho biết đã gần đủ để hoàn thành giai đoạn 1. "Nếu Chính phủ thông qua đề án của Bộ Giao thông xin sử dụng một phần vốn dư làm Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để đầu tư làm cầu treo dân sinh thì 4.150 cây cầu phục vụ đi lại cho người dân vùng sâu, vùng dân tộc sẽ được hoàn tất trong năm 2017", Bộ trưởng Thăng nói. Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, nếu Bộ Giao thông có thể hoàn thành việc xây dựng cầu dân sinh như đã giải trình thì Quốc hội sẽ hết sức ủng hộ. |
Hoàng Thùy