Trước việc hàng loạt cá chết ở ven biển các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, ngày 20/4, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có cuộc họp khẩn với các đơn vị của Bộ.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện tượng cá chết hàng loạt có nhiều lý do, trong đó không loại trừ nguyên nhân môi trường ô nhiễm, nên trách nhiệm của Bộ là phải đẩy nhanh tiến độ làm rõ nguyên nhân.
Người đứng đầu ngành Tài nguyên cũng chỉ đạo Tổng cục Môi trường cùng Tổng cục Biển và hải đảo, các đơn vị liên quan điều tra theo nguyên tắc "tìm kiếm vết dầu loang" và thông tin kịp thời tới người dân.
Ông Nguyễn Thành Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết đã cử cán bộ Cục Kiểm soát tài nguyên bảo vệ môi trường biển hải đảo trực tiếp tìm hiểu sự việc. Tổng cục cũng đã cử đoàn phối hợp với Sở Tài nguyên địa phương để lấy mẫu nước, khảo sát hiện trường.
Theo lãnh đạo Tổng cục, cá chết do nhiều nguồn gây ô nhiễm như vi khuẩn, các yếu tố độc trong nước. Việc xác định nguyên nhân cá chết ở vùng biển rộng lớn không đơn giản nên khi chưa có cơ sở rõ ràng thì chưa thể vội vàng kết luận.
Hiện tượng cá chết lần đầu tiên được ghi nhận ở các lồng bè nuôi trên biển, gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vào đầu tháng tư. Sau đó cá biển tự nhiên, cá nuôi lồng bè và cá hồ ven biển của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đồng loạt chết. Mỗi ngày, ngư dân xã ven biển thu gom được hàng tấn cá chết, mỗi con trọng lượng từ vài lạng tới 50 kg.
Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc) qua kiểm tra môi trường nước, tác nhân gây bệnh, kết luận các yếu tố thông thường và khí độc do phân hủy hữu cơ không phải là nguyên nhân khiến cá chết. Nguyên nhân trực tiếp nhiều khả năng là các yếu tố gây độc trong nước, có thể từ nguồn nước thải chưa được xử lý đổ ra sông, biển.
Hiện yếu tố độc này là gì thì chưa được xác định.
Phạm Hương