Bộ Quốc phòng vừa gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP HCM và Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thời điểm thi công cầu Thủ Thiêm 2. Lý do Bộ nêu là để Tổng công ty Ba Son (thuộc Bộ Quốc phòng) có thời gian thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ sản xuất quốc phòng từ nay đến hết năm 2017, góp phần tốt hơn nữa cho nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Theo Bộ Quốc phòng, từ năm 2010, UBND TP HCM đã lập dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 để kết nối hạ tầng giao thông khu vực trung tâm thành phố với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo thiết kế, dự án có điểm đầu trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1), chạy dọc đường về phía Đông, cắt ngang qua đất và các công trình phục vụ đóng tàu của tổng công ty Ba Son. Tiếp đó, cầu vượt qua sông Sài Gòn đến điểm cuối tại đường Nối Cầu (quận 2). Như vậy, dự án sẽ chiếm dụng một phần đất quốc phòng (khoảng 12.000 m2), đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của Ba Son.
Cũng theo Bộ này, tổng công ty Ba Son đang thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng để phục vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vì vậy, nếu dự án khởi công từ tháng 11 năm nay (theo dự kiến) đến 11/2016 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng. Thậm chí có thể làm ngưng trệ toàn bộ hoạt động của nhà máy do chiều cao tĩnh không thông thuyền của cầu chỉ 10 m.
Trong khi đó, theo UBND thành phố, để thực hiện các Quy hoạch tổng thể, Quy hoạch phát triển giao thông TP HCM, dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã có quá trình chuẩn bị từ rất lâu, gắn liền và phù hợp với tiến độ quy hoạch di dời Nhà máy đóng tàu Ba Son (trước năm 2010) theo Quyết định vào tháng 8/2005 của Thủ tướng. Đây cũng là dự án cấp bách, cần được xây dựng sớm để góp phần giảm ùn tắc giao thông cũng như thúc đẩy sự phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm và tình hình kinh tế xã hội của thành phố.
Theo thiết kế, cầu Thủ Thiêm 2 dài 852 m (không tính phần đường dẫn), rộng 19,3 m với 4 làn xe (dự kiến sẽ điều chỉnh lên 6 làn xe) với tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng. Hướng tuyến được UBND TP HCM chọn là kết nối từ ngã tư Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng qua giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh đi qua nhà máy đóng tàu Ba Son để nối với Thủ Thiêm. |
Hữu Công