Sáng 8/2, bến xe Miền Đông tấp nập ôtô từ các tỉnh cập bến đưa hành khách quay lại Sài Gòn sau kỳ nghỉ Tết. Hầu hết trẻ em, phụ nữ đều dìu nhau bước vội xuống xe rồi kiếm chỗ để ngồi nghỉ. Sau chặng đường dài, trông ai cũng phờ phạc, phó mặc hành lý cho phụ xe vứt xuống chỏng chơ.
10h15, xe khách tuyến Quảng Ngãi – Sài Gòn vừa đỗ bến, Chị Hồng ngồi bệt xuống nền xi măng, thở hắt, sau gần 20 giờ trên xe. Vẻ mệt mỏi, chị cho biết bình thường không say xe nhưng chuyến xe của chị rất đông người, lại gặp kẹt xe liên miên nên chị thấy mình như không còn sức sau chặng đường dài. "Tôi phải nghỉ chút, lấy lại hồn cái đã rồi mới có thể bắt xe buýt về nhà trọ ở quận Bình Tân. Ngày Tết, lúc mới khởi hành còn đỡ, chứ dọc đường đi họ bắt thêm khách rồi nhồi nhét chặt như nêm nên ai cũng mệt lả", chị Hồng chia sẻ.
Ngồi hút thuốc chờ vợ con rửa mặt, anh Thành vừa có chuyến hành trình từ Huế vào Sài Gòn, cho biết không có gì khổ bằng đi xe vào lại Sài Gòn sau Tết. “Năm nào cũng vậy, ăn Tết xong là cả nhà tôi phải chịu cảnh hành xác để vào Nam. Đàn ông, thanh niên còn đỡ, chứ phụ nữ và mấy đứa nhỏ thì chẳng ai tự bước được khi xe cập bến. Thằng bé nhà tôi cứ khóc suốt trên ôtô vì không khí quá ngột ngạt”, anh Thành nói.
Tương tự, tại bến xe miền Tây mỗi ngày cũng có hàng chục tuyến xe khách đưa người dân trở lại Sài Gòn học tập và làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Gương mặt xanh xao, thất thần, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh quê ở Vĩnh Long cho biết, ngày thường xe chỉ chạy khoảng 4 tiếng nhưng hôm nay khởi hành từ 7h mà đến hơn 13h mới đến được Sài Gòn vì kẹt xe. “Nếu chỉ muộn hơn vài giờ thì cũng không sao, đằng này do xe quá đông, hành lý chất tùm lum nên mệt muốn xỉu", chị Anh nói.
Trao đổi với VnExpress, một tài xế xe Quảng Ngãi – Sài Gòn cho biết, bình thường chạy tuyến này mất khoảng 17 giờ, nhưng do vừa Tết xong, lượng xe vào Nam rất đông, xe cộ bị ùn ứ nên thời gian muộn hơn khoảng 2-3 giờ. “Nhất là đoạn ngã 3 Dầu Giây, xe đông, đường lại khá hẹp nên xe bị kẹt ở đây khá lâu”, tài xế này nói.
Trong khi đó, một tài xế khác chạy tuyến Cần Thơ – Sài Gòn cho hay năm nay do lộ trình từ các tỉnh miền Tây trở lại TP HCM bị tắc nghẽn kéo dài nên tài xế và hành khách đều mệt mỏi. Kẹt xe cũng làm cho các nhà xe bị động trong việc quay vòng để đón khách nên khách mua vé vào chiều hay cuối ngày đều bị trễ vài giờ.
Ngoài xe khách, người dân ở các tỉnh miền Tây cũng trở về Sài Gòn bằng xe máy nên tình trạng ùn tắc càng nghiêm trọng hơn. Theo các cơ quan chức năng, 2 khu vực được ghi nhận kẹt xe nặng nề nhất năm nay là ở cầu Mỹ Thuận và cầu An Hữu khi hàng nghìn ôtô, xe máy xếp hàng dài để chờ qua cầu trở về TP HCM.
Không chỉ mệt mỏi vì bị nhồi nhét, kẹt xe, nhiều người còn bức xúc vì bị nhà xe lợi dụng dịp Tết để bán vé với giá cắt cổ. Anh Nguyễn Thành Hưng ngụ huyện Tây Sơn (Bình Định) cho biết, các hãng xe ở bến xe Phú Phong đã hét giá trên trời nhưng nhiều người vẫn phải mua để kịp vào Sài Gòn đi làm.
“Ngày thường vé chỉ bán khoảng 280.000 đồng bao ăn nhưng Tết xong giá vé là 800.000 đồng lại không cho ăn bữa nào. Tính ra, ngày Tết giá vé đắt gần gấp 3 lần ngày thường. Đã vậy khi mua, họ không đưa vé liền mà chỉ đưa một tờ giấy biên nhận rồi thu trước 500.000 đồng, số còn lại khi hành khách lên xe mới thu”, anh Hưng bức xúc nói.
Liên quan đến việc xử phạt các xe khách dịp Tết Nguyên đán 2014, tại TP HCM, Thanh tra Sở Giao thông vận tải cho biết đã lập biên bản, xử phạt 344 xe chở khách vi phạm với số tiền khoảng 675 triệu đồng. Trong đó, các xe chủ yếu vi phạm các lỗi như chạy xe không đóng cửa; đậu đỗ, đón trả khách sai nơi quy định; xe không có phù hiệu…
Lực lượng thanh tra cũng phối hợp với Cảnh sát giao thông TP HCM chốt chặn, tuần tra thường xuyên trên các tuyến đường, quốc lộ tại các cửa ngõ của thành phố. Những xe vi phạm được phát hiện chủ yếu tập trung gần các bến xe. Tình trạng xe “dù” lợi dụng các cây xăng, bãi giữ xe dọc quốc lộ 1, quốc lộ 13 để rước khách năm nay đã giảm nhiều so với những năm trước. Tuy nhiên, một số nhà xe đã liều lĩnh đón trả khách “chớp nhoáng” ngay giữa đường khi xe đang dừng chờ đèn đỏ. Thậm chí một số xe vừa chạy vừa mở cửa để khách chạy theo, lên xe.
Hữu Nguyên