Tại cuộc họp báo chiều 27/6, trả lời câu hỏi việc Sở Nội vụ có số lượng cấp phó gấp đôi quy định, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay "với trách nhiệm của mình, Bộ Nội vụ sẽ yêu cầu Hà Nội báo cáo".
Theo ông Thăng, Nghị định 24 quy định, số lượng phó giám đốc sở của Hà Nội và TP HCM không quá 4. Tuy nhiên Điều 11, Nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế quy định, trường hợp do sắp xếp tổ chức mà thôi giữ chức vụ hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ thấp hơn thì sẽ được bảo lưu phụ cấp chức vụ đó đến hết thời hạn bổ nhiệm hoặc nhiệm kỳ.
"Trường hợp thời hạn bổ nhiệm và nhiệm kỳ còn dưới 6 tháng thì bảo lưu 6 tháng hoặc cho đến khi nghỉ hưu", ông Thăng giải thích.
Thông tin thêm, Phó vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức Trương Hải Long cho biết, quan điểm của Bộ là cần phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật liên quan đến cấp phó.
“Thủ tướng đã có công văn chỉ đạo yêu cầu sau 30/6 không còn cơ quan, tổ chức nào có số lượng cấp phó vượt quy định trừ trường hợp sáp nhập. Các địa phương sẽ phải báo cáo trước 30/6 để Bộ tổng hợp báo cáo Chính phủ trước 30/7. Chúng tôi vẫn đang đợi Hà Nội báo cáo phương án sắp xếp”, ông Long thông tin.
Trước đó, trả lời báo chí về số lượng 8 phó giám đốc của Sở Nội vụ, bà Nguyễn Thị Liễu, Chánh văn phòng Sở cho biết, trước đây cơ quan có số phó giám đốc đúng quy định. Tuy nhiên, sau đại hội Đảng bộ các cấp vào cuối năm 2015, một số trường hợp không đủ tuổi tái cử, lại sắp nghỉ hưu được thành phố bố trí luân chuyển về công tác tại Sở.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng giải thích việc bố trí nhiều phó giám đốc ở đơn vị là do có 2 người kiêm nhiệm trưởng ban tôn giáo và trưởng ban thi đua khen thưởng (chức danh tương đương phó giám đốc cấp sở).
"Trong số 8 phó giám đốc này, 5 người sẽ nghỉ hưu trong 2-6 tháng tới. Như vậy, Sở sẽ chỉ còn 3 phó giám đốc", ông Sáng nói.
Thống kê của Bộ Nội vụ, thời gian qua, số lượng cấp phó tại một số cơ quan vượt quá quy định. Bộ Nội vụ đã thanh tra tại một số đơn vị như Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa (có 8 phó giám đốc); Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Định (có 6 phó), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương (có 44/46 công chức giữ chức vụ lãnh đạo); Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên (thừa 23 cấp phó). Trên cơ sở báo cáo của Bộ Nội vụ, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương sắp xếp số lượng cấp phó đúng quy định, có hình thức xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm. |
Võ Hải