Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến cuối năm 2014, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 61,43% về hàng hóa và 95,75% vận tải hành khách. Còn ngành đường sắt vận tải chiếm 2% hàng hóa, 1,14% lượng hành khách, hàng không đạt 0,02% vận tải hàng hóa và 2,05% vận tải hành khách. Thị phần còn lại thuộc về đường hàng hải và đường thủy nội địa.
Con số thống kê này cho thấy đường sắt dù xuất hiện khá sớm, phát triển thành phương thức vận tải chủ chốt của cả nước nhưng đang bị tụt hậu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó Luật Đường sắt năm 2005 với nhiều bất cập tồn tại cũng tạo nên rào cản.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết Luật vẫn còn một số bất cập như chưa có quy định nội dung quản lý Nhà nước về đường sắt, chưa tách bạch giữa công tác quản lý của cơ quan Nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến giảm hiệu lực quản lý, ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh. Các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho đường sắt vẫn chưa được chú trọng...
Từ năm 2006 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013 và 14 luật, pháp lệnh trong đó có những quy định liên quan đến một số nội dung trong Luật Đường sắt 2005. Bên cạnh một số nội dung đã có, Luật Đường sắt 2005 cần sự điều chỉnh để phù hợp với nội dung Hiến pháp 2013 và các luật, pháp lệnh mới ban hành.
Do vậy, để mở rộng cơ chế phát triển ngành đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải đang dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) với nhiều đổi mới và tiến hành bổ sung và lấp đầy các vấn đề còn thiếu của Luật Đường sắt 2005.
Hiện một số quy định của Luật Đường sắt 2005 quá chi tiết, cụ thể mang tính kỹ thuật chuyên ngành thuần túy sẽ chỉnh sửa chuyển thành các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật để phù hợp với thực tiễn và linh hoạt trong quá trình thực thi. Đồng thời, một số quy định chưa phù hợp, cần sửa đổi như quy định về giải thích từ ngữ; các hành vi bị nghiêm cấm; quản lý đất dành cho đường sắt; quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt…
Để theo kịp tình hình thực tiễn, một số nội dung chưa đưa vào Luật Đường sắt 2005 cần phải bổ sung như ưu đãi trong hoạt động đường sắt; quy định nội dung công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đường sắt; quản lý Nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư; quy định về tải trọng, công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ; quy định niên hạn sử dụng đối với phương tiện giao thông đường sắt; đường sắt tốc độ cao... Ngoài ra, Luật Đường sắt 2005 chưa có quy định về loại hình đường sắt tốc độ cao. Vì thế, Bộ đã đề xuất hẳn một chương quy định để có cơ sở và căn cứ pháp lý khi đầu tư xây dựng loại hình đường sắt mới này.
Bên cạnh những quy định chung, Bộ cũng đề xuất những quy định cụ thể về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; về quản lý nguồn kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng sắt; về quản lý đất dành cho đường sắt; quy định về chính sách phát triển đường sắt; quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt; quy định về tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt...
Minh Trí