Một cuộc điều tra nhỏ vừa được huyện Phúc Thọ (Hà Nội) tiến hành với 533 thanh niên quân nhân xuất ngũ giai đoạn 2010-2014. Kết quả thu được là 1/3 không có việc làm, 9 người làm kinh tế hộ gia đình, còn lại là làm nông nghiệp.
"Ông cha ta đã nói thanh niên là rường cột của nước nhà, vậy mà rường cột thất nghiệp nhiều như vậy, làm sao đất nước phát triển", thành ủy viên, Bí thư huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu băn khoăn.
Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, ngày 8/12, lãnh đạo huyện Phúc Thọ tổ chức đối thoại với thanh niên cựu quân nhân. Nguyễn Anh Tuấn, chiến sĩ vừa xuất ngũ năm nay, tâm sự những thanh niên được huấn luyện trong môi trường quân đội có ý thức kỷ luật, nhận thức chính trị rất tốt. Tuy nhiên, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê lại gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tìm việc và phát triển kinh tế gia đình.
"Chúng em mong muốn được tạo điều kiện để được công tác ở những vị trí phù hợp tại chính quyền địa phương, phát huy được phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ đã được rèn luyện suốt 24 tháng quân ngũ", Tuấn đề xuất.
Cựu quân nhân Hoàng Văn Hùng thì bày tỏ, dù đã xuất ngũ một thời gian dài, các anh vẫn chưa tìm được công việc để ổn định cuộc sống. "Chúng tôi mong muốn chính quyền các địa phương quan tâm hỗ trợ các lớp học nghề, phối hợp với các doanh nghiệp tìm việc làm để bộ đội xuất ngũ sớm tìm được việc làm, đủ khả năng chăm lo cho gia đình", Hùng nói.
Đã xuất ngũ một thời gian và vẫn loay hoay tìm việc trong khi kinh tế gia đình khó khăn, Nguyễn Văn Mạnh quyết định tìm hiểu các công ty xuất khẩu lao động để đăng ký. Tuy nhiên, mức phí phải đóng quá lớn, gia đình không thể lo nổi.
"Tôi hy vọng nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ vay vốn để quân nhân xuất ngũ chúng tôi có thể tiếp cận, có tiền nộp đi xuất khẩu lao động hoặc làm trang trại, phát triển kinh tế gia đình", Mạnh giãi bày.
Bí thư huyện ủy Ngọ Duy Hiểu nhận định, thanh niên xuất ngũ là lực lượng quan trọng, có thể tạo nguồn cán bộ cơ sở rất tốt. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, mỗi thanh niên phải thực sự xác định được mong muốn và cố gắng để thực hiện được kế hoạch cuộc đời mình, bởi công việc, tương lai phụ thuộc chủ yếu vào bản thân mỗi người.
"Chúng tôi sẽ làm việc với các ngân hàng để hỗ trợ thanh niên xuất ngũ được nhiều hơn. Câu lạc bộ cựu quân nhân cũng được thành lập, làm trung tâm thông tin, kết nối các nguồn hỗ trợ, việc làm để giúp thanh niên quân nhân xuất ngũ ổn định cuộc sống", ông Hiểu nói.
Trước đó, vấn đề thanh niên nhập ngũ phần lớn là con nhà nghèo đã làm nóng nghị trường Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Văn Hưng nêu thực trạng lực lượng chính nhập ngũ là con em nông dân, ở nông thôn; có nơi đưa toàn thành phần khó khăn đi bộ đội. Như vậy, lao động chính trong nhà không còn, cuộc sống khó khăn càng khốn khổ hơn. Khi những thanh niên này xuất ngũ, muốn lao động giúp đỡ gia đình cũng không biết bắt đầu từ đâu.
Vì vậy, ông Hưng đề nghị, luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi cần nghiên cứu hoãn nghĩa vụ quân sự cho đối tượng xóa đói giảm nghèo, đã có vợ con.
Hoàng Thùy