- Lý do gì ông viết đơn từ chức trong khi đến tháng 1/2018 mới tới tuổi nghỉ hưu?
- 21 năm làm cán bộ chủ chốt của thành phố, từ chủ tịch qua bí thư là thời gian quá dài, quá lâu. Làm việc lâu, có cái lợi là mình có kinh nghiệm, quen việc, bản thân chín chắn hơn để giải quyết công việc. Nhưng cái bất lợi chính là tư duy theo lối mòn, ngại đột phá, đổi mới.
Tuổi tác tôi bây giờ đã lớn, tư duy cũng như độ nhạy bén, xông xáo không bằng ngày xưa nữa. Mình còn đương chức, ngồi đó cứ như cây đa, cây đề khiến nhiều anh em phía sau không dám nói ra những điều mới, vô hình trung mình đã làm lụi đi những tư duy mới. Thêm vào đó, mình ngồi đây thì nhiều anh em dựa dẫm miết, tạo thành thói ỷ lại, như vậy là bất ổn.
Cũng có người hỏi tại sao mình không chờ cơ hội để tiến chức? Nhưng tôi nghĩ nơi nào làm tốt thì mình làm. Có thể Nguyễn Sự ở Hội An còn làm được vài ba việc, nhưng nếu ở chỗ khác thì không làm được gì. Tôi có thể trở thành người như ngày hôm nay, là phải gắn với Hội An. Hội An làm nên Nguyễn Sự, chứ không phải Nguyễn Sự làm nên Hội An. Tôi không khiêm tốn mà nói rất thật. Tôi cảm ơn Hội An, cảm ơn cuộc đời này.
Thực ra, ngay từ đầu nhiệm kỳ thứ hai nhận chức Bí thư Thành ủy Hội An, tôi đã tuyên bố với anh em sẽ cố gắng duy trì nhiệm vụ đến nửa nhiệm kỳ và bàn giao lại. Năm 2013 tôi viết đơn xin nghỉ, nhưng không được tập thể chấp nhận và lần này thì được sự ủng hộ của tập thể cũng như lãnh đạo tỉnh. Tôi đã nói một câu rằng, 40 năm Đảng và tổ chức quyết định tôi rồi, bây giờ hãy để tôi tự quyết định. Bản thân đã suy nghĩ rất nghiêm túc về vấn đề này.
Về phía gia đình, tôi đã chuẩn bị tư tưởng cách đây một năm. Con tôi nói nếu vì sức khỏe mà ba nghỉ thì tụi con ủng hộ, nếu là công dân Hội An thì tụi con tiếc.
- Nhiều người gọi ông là bí thư chân quê, chính từ sự gần dân. Bí quyết của ông là gì?
- Bản thân tôi luôn tâm niệm khi giải quyết việc gì cho dân đều phải đặt mình vào họ. Như trước khi thành phố có chủ trương dẹp vỉa hè cho sạch, buổi sáng chủ nhật tôi hay ra vỉa hè ngồi ăn bánh mì và tình cờ thấy một bà cụ trồng được ít hoa đưa ra vỉa hè bán. Bà thấy anh em quy tắc đi lên thì chạy lên, anh em quy tắc đô thị đi xuống thì chạy xuống. Cuối cùng tôi đến gặp cả bà cụ và anh em quy tắc đô thị, yêu cầu anh em phải cho bà cụ ngồi bán hoa đến hết 11h trưa, với điều kiện không được lấn lòng đường.
Hãy đặt cha mẹ hay chính mình vào hoàn cảnh của người dân để giải quyết cho họ. Cuộc đời này công bằng lắm, anh đối xử với người ta như thế nào, thì người ta cũng sẽ đối xử với anh như vậy, không cho không ai cái gì và cũng không lấy không của ai cái gì. Tôi tin vào luật nhân quả, có thể người ta nghĩ thế này, thế kia về anh và người ta nói, nhưng mình không lừa dối lương tâm, không lừa dối nhân dân và làm vì nhân dân thì không có gì đáng ngại.
Có người nói tôi đã để lại nhiều dấu ấn, nhưng cũng có người nói thằng cha đó để lại tai tiếng. Tôi là người tĩnh tâm với những lời khen, chê. Khen thì vui, chê thì buồn nhưng tôi không bị ràng buộc. Vì khen, chê đôi lúc cũng chỉ là cảm tính thôi. Khen nhiều chưa hẳn đã là tốt, mà chê nhiều chưa hẳn đã là xấu.
- Từ bỏ chức vụ sau hơn 20 năm làm lãnh đạo chủ chốt của thành phố Hội An, điều gì khiến ông còn trăn trở?
- Trăn trở thì nhiều, tôi còn nợ nhân dân lớn lắm. Có những điều nhân dân yêu cầu, có những điều tôi thấy nhưng chưa làm được. Điều này xuất phát từ nhiều lý do như năng lực của bản thân, cơ chế... Đáng lý ra đời sống nhân dân và Hội An sẽ tốt hơn, nhưng tôi không làm được nên tôi còn nợ nhân dân. Món nợ này không phải của riêng tôi mà của những người cầm quyền.
Tôi muốn tất cả những vùng ở Hội An phát triển đều, người dân từ đô thị đến nông thôn sẽ giàu lên, nhưng đến bây giờ đời sống của một bộ phận nhân dân dù đã được nâng lên nhưng vẫn còn khó khăn, đặc biệt là nông thôn. Cầu Cẩm Kim đến tháng 7 này sẽ khởi công, nhưng đến bây giờ tôi vẫn trăn trở. Lý ra phải làm sớm hơn. 40 năm rồi không có được một cây cầu, dù nhỏ, bắc qua Cẩm Kim cho nhân dân nhờ. 40 năm rồi vẫn chưa có dòng điện quốc gia chạy ra xã đảo Tân Hiệp, người dân vẫn phải sống cảnh đèn dầu, chạy máy nổ. Đến giờ vẫn chưa kéo điện quốc gia ra Cù Lao Chàm và tôi thấy mình lỗi. Nếu mình làm sớm hơn thì dân đỡ khổ hơn.
Đó là món nợ mà chắc chắn tôi không bao giờ trả được nữa mà đặt vào vai anh em lớp sau.
- Ông kỳ vọng gì vào người sẽ thay chức vụ của mình?
- Trong gánh nặng tôi để lại cho anh em lớp sau vàng có, thau có, thậm chí rác rưởi cũng có, bây giờ anh em tiếp tục sàng lọc. Tôi kỳ vọng anh em sẽ làm tốt hơn, đột phá hơn mình, nhưng mà vẫn là Hội An. Có nghĩa là vẫn phát triển nhanh nhưng Hội An không đánh mất mình trong việc bảo tồn di sản, bảo tồn tự nhiên, ứng xử với mọi người dân phải ngay ngắn.
Tôi cũng mong mỏi anh em một điều là ngoài tính kế tục, thì cần tránh tư duy nhiệm kỳ, khi làm một điều gì phải tính đến chuyện lâu dài, đừng nghĩ trong nhiệm kỳ mình làm được cái này, không làm được cái này, việc đó không quan trọng. Có thể nhiệm kỳ này mình làm việc này chưa được, nhưng ý tưởng của mình phải tính đến nhiệm kỳ sau người kế thừa sẽ làm được.
Nhưng quan trọng là khi giải quyết công việc cho dân, phải đặt mình vào vị trí của dân để giải quyết, chứ đừng đặt họ vào mình. Có như thế thì mới giải quyết được công việc của dân, và mới tạo được lòng tin với họ. Phải sát người, sát việc. Nếu bí thư mới của Hội An cầu thị, biết lắng nghe thì chắc chắn sẽ làm được việc lớn cho Hội An.
- Trong xu hướng phát triển, hội nhập của Hội An, ông có góp ý gì cho người kế cận?
- Tôi làm hết mình rồi, khi nghỉ tôi cũng đề nghị anh em hãy cho tôi nghỉ hết mình. Tôi sẽ không có ý kiến gì với những việc anh em làm, không tham gia vào những việc cụ thể, vì tôi thấy mình đã lạc hậu với tình hình rồi.
Tuy nhiên, tôi cho rằng Hội An cần phải giữ 2 điều. Thứ nhất là di sản khu phố cổ. Thứ hai là phải đối xử đàng hoàng với thiên nhiên, phải nương tựa vào thiên nhiên chứ không phải phá hoại nó, bởi vì giá trả lớn lắm. Đừng đổ thừa cho biến đổi khí hậu, mà chính mình góp phần vào biến đổi khí hậu, trong đó có câu chuyện Cửa Đại. Ai lấy của tự nhiên một thì tự nhiên sẽ lấy lại cả triệu lần.
Cái gì mà làm dễ, sửa khó thì hãy hết sức cẩn trọng. Người ta có thể lấp ruộng làm đô thị chỉ với một chủ trương, nhưng trong lịch sử chưa thấy ai phá đi một đô thị để làm ruộng lại, như vậy phải cẩn trọng. Đôi lúc ruộng để bỏ hoang lãng phí nhưng hãy cho đó là không gian sống, không gian thở của con người. Chứ anh làm đô thị, bán lấy vài ba ngàn tỷ mà mất cả một không gian thì không được. Hãy để những bãi đất trống đó cho con cháu mình dụng võ, đừng nghĩ mình làm tốt rồi sau này con cháu muốn làm điều tốt hơn lại không có chỗ để làm.
Trong thời kỳ hội nhập, nền kinh thế phát triển, cái tốt đến cũng nhiều nhưng cái không tốt cũng nhiều, nó làm con người thay đổi nếp sống, cách ứng xử, kể cả vấn đề đạo lý. Văn hóa là những cái sâu nhất, bền nhất nhưng cũng mong manh nhất, nếu anh không biết ứng xử sẽ vỡ ngay. Và Hội An cũng rất dễ vỡ. Tôi nói thì nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực tế là như vậy.
Thời buổi này, có thể vì lợi nhuận người ta sẵn sàng nuốt sống tất cả những giá trị văn hóa, nên phải tỉnh táo để Hội An vẫn văn minh, vẫn phát triển, vẫn đi cùng với thiên hạ nhưng đừng mất đi cốt cách của Hội An. Mất cốt cách là mất tất cả, không còn gì để thu lại nữa. Đừng để Hội An trở thành xô bồ mà hãy làm cho Hội An yên tịnh, yên tĩnh cho tâm hồn, cho cách ứng xử, cho không gian và chính điều này Hội An sẽ đem đi bán không cần rao nhưng người ta vẫn sẽ mua đắt.
Nguyễn Đông thực hiện