Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 11, HĐND TP Đà Nẵng khóa 8 chiều 11/12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ dành nhiều thời gian để nói về chủ đề "Năm văn hóa, văn minh đô thị" 2015. Theo ông, trong mục tiêu xây dựng thành phố "5 không 3 có" thì một trong "3 có" đó là nếp sống văn minh, đô thị.
Ông Thọ nói để thực hiện được mục tiêu trên, cần có nhận thức đúng về văn hóa, văn minh đô thị để có cách triển khai hiệu quả. Có nhiều cách lý giải nhưng chung nhất là khi đô thị văn minh thì những người trong đô thị đó phải có văn hóa, sống lịch sự, có quy tắc.
"Nói thì đơn giản nhưng quá trình thực hiện không hề dễ dàng, bởi thói quen, lối sống thì khó sửa đổi", ông Thọ nói và cho biết thời gian tới Ban thường vụ Thành ủy, UBND thành phố sẽ ban hành kế hoạch thực hiện, với kỳ vọng các tầng lớp nhân dân thành phố sẽ đồng thuận cùng chính quyền thành phố.
Người đứng đầu thành phố cho rằng phải chỉ ra những hành vi xấu để loại bỏ khỏi cuộc sống thường ngày. Đó là việc chấp hành trật tự an toàn giao thông, xây dựng ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, vệ sinh chung; ứng xử thân thiện, quý mến bạn bè, du khách cho đến những chuẩn mực văn hóa trong công việc, kinh doanh. Không thể để tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa hàng năm đều 80-90% mà nếp sống văn hóa, văn minh đô thị chậm được hình thành.
"Có thể thành phố chưa thực sự giàu có, chưa có nhiều tòa nhà cao tầng bề thế, nhưng chúng ta rất cần tạo dựng một xã hội tốt đẹp. Chúng ta tự hào khi làm tốt việc xây dựng kết cấu hạ tầng và nhiều vấn đề khác, nhưng riêng với văn hóa, ở đây là những công trình văn hóa và điều kiện thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của người dân thành phố thì ít thấy ai khen", Bí thư Thành ủy nói.
Khẳng định hoạt động trong lĩnh vực văn hóa chưa xứng tầm với sự phát triển của thành phố, ông Thọ thông tin trong năm 2015, hàng loạt công trình văn hóa đã đang và sẽ được triển khai, như: nâng cấp, làm mới thư viện khoa học tổng hợp thành phố, bảo tàng mỹ thuật, nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, xây dựng mới nhà văn hóa thiếu nhi...
Vấn đề văn hóa, văn minh đô thị cũng được nhiều đại biểu HĐND TP Đà Nẵng nêu ra tại kỳ họp thứ 11. Theo đó, việc thành phố xây dựng tuyến đường văn minh đô thị đang thiên về lượng mà không có chất, thiếu chế tài với những hành vi đậu đỗ xe bừa bãi, vứt rác ra đường. Việc chèo kéo khách du lịch vẫn chưa khắc phục triệt để.
"Năm 2014, tỷ lệ các danh hiệu văn hóa từ gia đình văn hóa đến tổ dân phố văn hóa, phường văn hóa tăng, nhưng chất lượng đời sống văn hóa của nhân dân chưa tương xứng. Tình trạng quảng cáo, rao vặt, treo băng rôn, phướn tràn lan trên các tuyến đường chưa được giải quyết triệt để", ông Vũ Hùng, Trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND TP Đà Nẵng cho hay.
Theo đại biểu Mai Đức Lộc, việc xây dựng văn minh đô thị cần có đề án khoa học, chú trọng công tác tuyên truyền để mọi người dân đều có trách nhiệm tham gia; tập trung xây dựng môi trường văn hóa du lịch lành mạnh. Thành phố cần nghiên cứu tái lập cơ quan quản lý riêng về lĩnh vực du lịch.
Cũng tại kỳ họp, ông Thọ kể nhiều câu chuyện "chướng tai gai mắt" từng chứng kiến như: tài xế taxi đi vệ sinh ở vỉa hè, đôi nam nữ ra ghế đá Bạch Đằng ôm hôn nhau giữa ban ngày. "Đúng là chướng không chịu được", ông Thọ nói.
Trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 11, HĐND TP Đà Nẵng khóa 8 đã thông qua dự thảo 14 Nghị quyết quan trọng, như: mức thu một số loại phí, lệ phí; thông qua bảng giá các loại đất trên địa bàn Đà Nẵng; đặt đổi tên đường; biên chế hành chính sự nghiệp năm 2015; bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do HĐND các cấp trên địa bàn ban hành. |
Nguyễn Đông