Sáng 3/11, Phòng cấp cứu bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng mở cửa hoạt động trở lại, sau khi được niêm phong chiếu tia cực tím, phun thuốc sát trùng 5 lần vì tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhân nghi nhiễm Ebola hai ngày trước. "17 bác sĩ, y tá... tiếp xúc với bệnh nhân hôm đó đã phải tạm thời cách ly, có người tắm hai đến ba lần và không dám về nhà", bác sĩ Phạm Nguyễn Cẩm Thạch, giám đốc Bệnh viện nói.
Trực tiếp khám cho bệnh nhân Chu (26 tuổi, quê xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) lúc 10h30 ngày 1/11, bác sĩ Lê Thành Quyền (Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ), cho biết khi được một người bạn đưa vào cấp cứu, bệnh nhân có nhiều biểu hiện đau đầu, mệt mỏi chân tay và sốt đến 40,5 độ. Bạch cầu và tiểu cầu của bệnh nhân đều giảm 5 đến 6 lần nên bác sĩ cho uống thuốc hạ sốt, truyền dịch...
"Tôi lập tức điều tra dịch tễ. Lúc đầu bệnh nhân giấu và chỉ nói mình từ Qatar về TP HCM rồi ra Đà Nẵng 2 ngày trước nên tôi đặt tình huống anh ta bị sốt rét hoặc sốt xuất huyết", bác sĩ Quyền kể. "Tôi gọi người bạn đi cùng bệnh nhân vào và nói rằng tình trạng bệnh sốt cao và rất nặng, thì anh này mới thật thà bảo rằng Ch. từ Guinea về. Có thể sợ rằng nếu bị nghi nhiễm Ebola sẽ bị cách ly 21 ngày nên bệnh nhân đã nói dối". Lập tức ca bệnh được báo ngay lên Trung tâm y tế dự phòng và Sở Y tế Đà Nẵng.
"Biết không thể giấu được nữa, bệnh nhân cho biết cách nơi anh ta ở khoảng 300 km dịch Ebola bùng phát dữ dội nên mới quyết định về nước, sau 2 năm ở Guinea. Anh Ch. vẫn tỏ ra bình tĩnh, nói rằng mình chỉ bị sốt chứ không thể bị Ebola", bác sĩ Quyền cho hay. Phòng cấp cứu chuyển ngay những bệnh nhân sang phòng cấp cứu lưu và niêm phong, cách ly bệnh nhân Ch. rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Các bác sĩ, y tá khi đó mới mặc đồ bảo hộ.
"Tất cả đồ bảo hộ chỉ dùng một lần rồi bỏ. Tâm lý lo sợ của những người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân Ch. là có thật khi biết ca bệnh nghi nhiễm Ebola. Theo tôi, bệnh nhân khi về từ vùng có dịch Ebola chỉ suy nghĩ cho bản thân chứ chưa nghĩ đến cho cộng đồng. Cũng may anh ta có kết quả âm tính với Ebola, mọi người mới thở phào", bác sĩ Thạch nói và cho biết sáng nay đã thông báo rộng rãi đến nhân viên cũng như bệnh nhân để mọi người yên tâm.
Cùng ngày, Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng) đã gỡ bỏ lệnh cách ly. Bệnh nhân Ch. được tiếp xúc với mọi người khi sức khỏe dần bình phục, có thể tự xúc thức ăn, trên người được gắn các thiết bị theo dõi. Giải thích việc giấu thông tin, anh Ch. nói do đang bị sốt, bác sĩ lại không hỏi cụ thể nên "mình nói làm gì". "Tôi cũng biết chắc chắn mình không bị Ebola", anh Ch. khẳng định và thừa nhận khi bị cách ly tâm lý cũng có phần lo sợ.
Theo bệnh nhân này, anh qua Guinea làm nghề chụp ảnh. Lúc dịch bệnh bùng phát, anh không tiếp xúc với người bản xứ, ngay cả đi mua thức ăn cũng nhờ người mua giúp. Những lúc rảnh rỗi, anh lên mạng tìm kiếm thông tin về Ebola và biết được các triệu chứng của bệnh này là nổi mẩn, tiêu chảy, viêm họng nên khi bị sốt - bệnh thường gặp của những người sống ở châu Phi - đã nghĩ mình không bị Ebola.
Là một trong 6 người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nghi nhiễm Ebola đầu tiên ở Đà Nẵng trong phòng cách ly, bác sĩ Nguyễn Hoàng Nam cho biết khi tiếp nhận bệnh nhân này, các bác sĩ đều mặc đồ bảo hộ kỹ lưỡng nên không quá lo lắng nguy cơ bị nhiễm bệnh. |
"Thấy bệnh Ebola lan rộng, việc làm ăn cũng không thuận lợi lắm nên tôi quyết định về nước", anh Chu nói. Người này cho biết đã quá cảnh 2 ngày 3 đêm ở Morocco và Qatar, ngủ ở nơi lạnh giá và không có thức ăn, nước uống đầy đủ. Xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), anh đã làm tờ khai y tế và cơ quan chức năng ở đây biết anh về từ Guinea. Khi đó anh đã bị sốt nhưng có uống thuốc hạ sốt nên máy đo thân nhiệt không phát hiện ra.
"Hai ngày nay, các bác sĩ tại đây điều trị rất tốt, thường xuyên truyền nước và cho uống thuốc hạ sốt. Bác sĩ cũng thông báo tôi chỉ bị sốt rét", anh Chu nói. Bệnh nhân đã điện thoại động viên gia đình. "Bệnh viện nói sẽ theo dõi bệnh của tôi trong vòng 21 ngày. Bác sĩ đã cởi bỏ những bộ quần áo bảo hộ cồng kềnh, kín mít nên tôi cũng yên tâm".
Liên quan việc kiểm soát dịch tại các cửa khẩu, anh Chu cho hay khi qua các sân bay ở Guinea, Morocco và Qatar đều được lực lượng an ninh theo dõi rất kỹ lưỡng. Còn khi về Tân Sơn Nhất, anh chỉ bị kiểm tra thân nhiệt và làm tờ khai y tế.
Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Văn Hưng, phụ trách Khoa kiểm dịch (Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP Đà Nẵng) cho biết nguyên tắc khi phát hiện hành khách từ vùng dịch Ebola về chưa qua 21 ngày phải báo cáo với y tế để giám sát, quản lý tại các địa phương xem có sốt hay không. Đáng ra với trường hợp của anh Chu thì khi làm tờ khai y tế, phía sân bay Tân Sơn Nhất cần báo cho Trung tâm y tế dự phòng để phối hợp.
Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, cho biết bệnh nhân Chu khi về Đà Nẵng qua ga nội địa nên không được kiểm tra thân nhiệt (sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện có 2 máy đo thân nhiệt ở ga quốc tế). Qua trường hợp này, các cơ quan liên ngành cần giám sát chặt chẽ hơn nữa tại các cửa khẩu, đặc biệt là việc điều tra dịch tễ và làm tờ khai y tế. Các địa phương có cửa khẩu đường bộ, hàng không hay cảng biển cũng cần có thông tin trao đổi tốt hơn, nhằm giám sát người từ vùng dịch trở về, tránh lây lan bệnh cho cộng đồng.
Bà Yến cho hay, dù công tác tuyên truyền đã được làm thường xuyên nhưng mấy hôm nay nhiều người dân vẫn hoang mang lo lắng. Chỉ cần nghe có người về từ châu Phi là họ đã lo sợ. Có người còn đề nghị cách ly nhân viên y tế ở bệnh viện Hoàn Mỹ vì đã thăm khám cho anh Chu. "Bệnh Ebola chỉ lây qua đường tiếp xúc và khi người bệnh có triệu chứng đầu tiên là bị sốt. Việc theo dõi trong vòng 21 ngày là để phòng chống lây lan cho cộng đồng và nếu họ có dấu hiệu của bệnh thì đến cơ sở y tế điều trị", bà Yến nói thêm.
Nguyễn Đông
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.