Ngày 8/11, ông Nguyễn Văn Chiến (Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng) cho biết do 7 trong 9 người tham gia đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm của TAND Đà Nẵng, sắp tới TAND cấp cao sẽ mở phiên phúc thẩm.
Là đại diện nguyên đơn được xử thắng kiện, ông Chiến cho rằng phán quyết của tòa cần được tôn trọng, "những người vi phạm hợp đồng dứt khoát phải trả lại tiền ngân sách, tiền thuế của dân".
Ông Huỳnh Bửu (bố một học viên bị kiện vi phạm hợp đồng do không về Đà Nẵng vì muốn học tiến sĩ ở Anh), cho biết các bị đơn kháng cáo với hy vọng tòa phúc thẩm sẽ xử khách quan hơn.
"Chúng tôi mong tòa phúc thẩm xem xét giảm án phí sơ thẩm, tiền bồi thường được trả chậm theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định", ông Bửu nói và cho hay theo phán quyết của tòa sơ thẩm gia đình ông phải hoàn trả gần 2,7 tỷ đồng cho Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, lãi suất 9% một năm (nếu trả chậm).
Từ tháng 10/2014 đến 30/9/2015, tòa dân sự TAND TP Đà Nẵng thụ lý 15 vụ kiện theo đơn của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng. Hiện 9 trong số này đã được xét xử sơ thẩm. Tổng tiền Trung tâm đòi các bị đơn bồi hoàn do chu cấp ăn học lên đến hơn 10 tỷ đồng.
Đề án 922 được Đà Nẵng triển khai từ năm 2004, nhằm hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Trong hợp đồng quy định, sau khi hoàn thành khóa đào tạo các học viên phải về làm việc cho thành phố tối thiểu 7 năm. Hơn 630 người tham gia đề án và khoảng một nửa học viên đã về thành phố làm việc.
Nguyễn Đông