Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương (NCHMF) cho biết, chiều tối 26/8, áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông sáng cùng ngày đã nhanh chóng suy yếu. Lúc 19h nó trên khu vực giữa biển Đông, với sức gió mạnh nhất dưới 40 km/h (dưới cấp 6). Trong 12 giờ tới, nó hầu như ít dịch chuyển và tan dần.
Trong khi đó, lúc 19h ngày 26/8 bão Pakhar cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 740 km phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất 90 km/h (cấp 9). Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh hướng tây bắc, vận tốc mỗi giờ 30-35 km và vào đất liền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), rồi suy yếu dần. Đến ngày 28/8, vùng áp thấp trên khu vực biên giới phía Bắc các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng.
Vùng nguy hiểm cho tàu thuyền là bắc vĩ tuyến 16,5; đông kinh tuyến 110.
Dù không đổ bộ vào Việt Nam nhưng theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó phòng dự báo khí tượng hạn ngắn (NCHMF), sự tương tác với áp thấp nhiệt đới khiến bão dịch chuyển xuống phía nam, tạo nên vùng tác động gây mưa cho miền Bắc rộng hơn.
Cụ thể từ chiều và tối ngày 28/8 đến 30/8, mưa to bắt đầu ở Đông Bắc, sau đó lan ra toàn Bắc Bộ. Trọng tâm mưa chủ yếu ở vùng núi và trung du với tổng lượng cả đợt 200-300 mm.
"Mưa lớn xảy ra tại những nơi mới hứng chịu tác động của hoàn lưu bão số 6 Hato và đợt mưa kéo dài từ tháng 6 nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất", ông Hưởng cảnh báo.
(Xem thêm video: lũ quét cuốn trôi nhiều nhà ở Lào Cai sáng 26/8)