Ngày 1/3, ông Phạm Lương Sơn (Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết cơ quan này vừa nhận chỉ đạo của Thủ tướng đề nghị nghiên cứu để báo cáo về thông tin cho rằng chi phí của BHXH quá lớn, phải tính đến giải pháp kéo dài tuổi nghỉ hưu để bảo đảm an toàn cho quỹ BHXH.
"Tôi xin khẳng định vấn đề chi phí quản lý và việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không liên quan đến nhau", ông Sơn nói và cho biết sẵn sàng đối thoại với chuyên gia nào phân tích chi phí quản lý bộ máy tăng dẫn đến mất cân đối quỹ.
Ông Sơn thông tin thêm, vừa qua báo chí đưa tin chi phí của BHXH VN trong năm 2015 quá cao, lên tới 7.407 tỷ đồng, tăng khoảng 75,8% so với năm 2014. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng 75,8% là chưa chính xác. Thực chất là dự toán kế hoạch chi năm 2015 của BHXH VN được Thủ tướng phê duyệt chỉ có 6.560 tỷ đồng (tăng khoảng 59% so với kế hoạch 2014), nhưng việc tăng này chủ yếu để phục vụ cho những nhiệm vụ cấp bách và cần thiết của cả hệ thống BHXH. Cụ thể như ứng dụng công nghệ thông tin trong chi trả bảo hiểm, phát triển BHYT, bảo hiểm thất nghiệp...
Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kiến nghị nâng tuổi nghỉ hưu lên cao hơn so với mức 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi với nam như hiện hành. Nguyên nhân là quỹ bảo hiểm xã hội đang mất cân đối chi trả trung bình cho 6 năm lương hưu của mỗi người dân. Trong khi thời điểm này rất khó tăng mức tiền đóng bảo hiểm vì sẽ ảnh hưởng đến đời sống người lao động và doanh nghiệp.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nếu duy trì tuổi nghỉ hưu và cách đóng - hưởng như hiện nay thì đến năm 2020, mức thu bằng mức chi. Kết dư quỹ đang giảm dần, không nâng tuổi nghỉ hưu thì đến năm 2037, mức thu bao gồm cả kết dư quỹ sẽ bằng mức chi, phải lấy ngân sách bù vào.
Vì sao quỹ hưu trí mất cân đối?
Hoàng Phương