Tại Quảng Ninh, nơi tâm bão đi qua, gió càng lúc càng mạnh. Lúc 10h, khắp từ Móng Cái tới Hoành Bồ, Bãi Cháy mưa to, gió lớn xuất hiện khiến nhiều cây cối bị giật đổ. Nhiều biển quảng cáo và mái tôn cũng bị giật tung.
Để đảm bảo an toàn, nhiều khu vực đã bị cắt điện, cầu Bãi Cháy cấm phương tiện lưu thông từ 10h. Chính quyền khuyến cáo người dân không ra ngoài đường khi bão vào. Vì vậy, lúc 11h, các tuyến đường ở TP Hạ Long vắng hoe.
Nhà cách biển khoảng một km, anh Long ở phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, cho rằng cơn bão này không mạnh, gió cũng không lớn, khu vực anh ở chỉ cảm nhận gió khoảng cấp 6. Đường phố phường Hà Khẩu khá yên bình.
Đến 12h, gió bão đã giảm cấp. Báo Quảng Ninh đưa tin, tại huyện Hải Hà, một cột ăng ten viễn thông cao 42 m bị đổ, 142 nhà và 40 công trình phụ bị tốc mái. 3 nhà bị sập, một người bị thương là ông Hoàng Văn Lai, thôn 3 xã Tiến Tới.
Tại TP Cẩm Phả, 3 hộ dân tại khu vực tổ 12, khu Ngô Quyền, phường Cẩm Đông, phải di dời khẩn cấp do kè bãi thải sau của mỏ than Thống Nhất bị sạt lở.
Trước đó Quảng Ninh đã di dời người dân ở khu vực xung yếu, người sinh sống trên các lồng bè vào nơi an toàn. Tỉnh cũng cấm biển từ hôm qua, cấm mọi phương tiện du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long.
Hải Phòng nằm sát tâm bão, 10h sáng dọc bờ kè quận Đồ Sơn, sóng biển vẫn lặng, song gió rất mạnh. Tại một số điểm sạt lở trong cơn bão Bebinca (đổ bộ ngày 23/6), lực lượng chức năng đang tích cực làm rọ đá gia cố, đề phòng sóng biển gây sạt lở tiếp. Theo dự báo, sóng biển cùng triều cường có thể làm nước biển dâng cao 3-5 m.
Đường phố của khu du lịch nổi tiếng miền Bắc vắng tanh, chỉ một số ít người mặc áo mưa ra ngoài kiểm tra lại việc chằng chống nhà cửa.
Trước đó quận Đồ Sơn đã di dời hơn 500 hộ dân (1.415 nhân khẩu) ở các điểm xung yếu vào nơi tránh trú bão an toàn. 758 khách du lịch (12 khách nước ngoài) đã được thông báo và hỗ trợ đến nơi tránh trú bão an toàn.
Nằm ở rìa tâm bão, Hà Nội từ đêm qua đã có mưa nhỏ. Đến 10h mưa to trên toàn bộ địa bàn (tập trung khoảng 30 phút). Thời điểm mưa đã xảy ra úng ngập ở một số vị trí, như: Phạm Văn Đồng (khu vực không có hệ thống thoát nước), ngã 5 Phùng Hưng - Đường Thành, Đội Cấn, Liễu Giai, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Khuyến… và rút dần sau 15 phút.
Tuy nhiên, theo dự báo, trong hôm nay và ngày mai, Hà Nội sẽ tiếp tục có mưa lớn và còn gây ngập úng ở nhiều điểm.
Trước đó tối 2/8, bão Jebi đã vượt qua phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), đi vào vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh cấp 10 (tương đương 100 km/h). Ở trạm đảo Bạch Long Vĩ đo được gió mạnh 17 m/s (cấp 7); ở đảo Cô Tô gió giật mạnh 18 m/s (cấp 8). Tại điểm đo trong đất liền ở Móng Cái (Quảng Ninh) cũng đã có gió giật 15 m/s (cấp 7). Sau khi vào vịnh Bắc Bộ, bão đang suy yếu.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho hay, bão sẽ cập bờ vào khoảng 10h sáng nay, tâm bão đổ bộ vào khu vực giữa Bãi Cháy và Móng Cái (Quảng Ninh) với sức gió giảm còn cấp 7, cấp áp thấp nhiệt đới. Riêng các đảo như Bạch Long Vĩ, có thể gió mạnh tới cấp 9. Sau khi đổ bộ áp thấp nhiệt đới đi sâu vào đất liền các tỉnh Đông Bắc Bộ và tiếp tục suy yếu.
Phó giám đốc Trung tâm khí tượng Lê Thanh Hải cho hay, với cường độ của bão Jebi, điều đáng lo nhất lúc này là mưa. Hoàn lưu bão sẽ trút lượng mưa 200-300 mm khắp Đông Bắc Bộ trong hai ngày 3-4/8. Mưa lớn sẽ tập trung vào đêm nay. "Cần đặc biệt đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập, úng ở khu vực đồng bằng, thành thị", ông Hải nói.
Ngoài ra, hoàn lưu bão cũng gây mưa lớn cho khu vực Bắc Trung Bộ. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có thể mưa 100 mmm.
Quốc Biên - Nguyễn Hưng
Độc giả vui lòng chia sẻ hình ảnh bão tại đây