Ngày 5/5, Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của các cơ quan báo chí năm 2010 đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Tấn Sang khẳng định, thời gian qua, báo chí đã phát huy tinh thần năng động, bám sát thực tiễn, phát hiện những vấn đề cần quan tâm, kịp thời thông tin, đề xuất kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, xử lý.
"Nhiều đề xuất hợp lý của báo chí và của các tầng lớp nhân dân được phản ánh qua báo chí đã được các cơ quan chức năng tiếp thu, xem xét, giải quyết một cách nghiêm túc", ông Sang nói.
Ông Trương Tấn Sang: "Báo chí cần kiên trì đấu tranh với tệ tham nhũng, lãng phí". Ảnh: TTXVN. |
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, ông Trương Tấn Sang cũng chỉ ra hoạt động báo chí và công tác chỉ đạo, quản lý báo chí còn những hạn chế. Đó là xu hướng "thương mại hóa" vì lợi ích cục bộ của một số cơ quan báo chí; thiếu nhạy cảm và trách nhiệm xã hội; thông tin thiếu tầm nhìn bao quát và chiều sâu tư tưởng...
Báo chí cũng ít tuyên truyền giới thiệu những yếu tố tích cực mà thiên về tô đậm những yếu kém, tiêu cực, mặt trái của xã hội; không ít tin, bài, hình ảnh làm thiệt hại cho doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng...
Ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh, thời gian tới báo chí phải phản ánh và góp phần tạo nên không khí "dân chủ, tin tưởng" trong các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội vào Đảng, Nhà nước, triển vọng phát triển của đất nước.
"Báo chí cần phải kiên trì đấu tranh với cái ác, cái xấu, tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu... góp phần làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh, tiến bộ", ông Sang nhấn mạnh.
Trao đổi với lãnh đạo các cơ quan báo chí tại hội nghị, ông Tô Huy Rứa Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, các cơ quan báo chí cần nhạy bén, có trách nhiệm trong việc định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội trước các vấn đề, sự kiện lớn của đất nước.
Ông Rứa lưu ý báo chí không nên xem nhẹ việc tuyên truyền gương người tốt việc tốt, thành tựu của công cuộc đổi mới. "Viết về cái xấu, cái tiêu cực không thể chỉ là sự liệt kê, phô bày một cách giản đơn, tự nhiên chủ nghĩa. Càng không thể lợi dụng nó để tạo scandal, tạo thành tiêu điểm giật gân, câu khách trên báo chí", ông Rứa nhấn mạnh.
Theo Bộ Thông tin Truyền thông, đến hết năm 2009, cả nước có 706 cơ quan báo chí in, trong đó có 178 báo và 528 tạp chí. Lĩnh vực phát thành truyền hình có 67 đài phát thanh - truyền hình. |
Nguyễn Hưng