Sáng 18/1, UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) tổ chức họp báo về công tác quản lý và tổ chức lễ hội du lịch chùa Hương năm 2016, bắt đầu từ mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
![]() |
Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết, để phục vụ nhu cầu đi đò rất lớn của nhân dân, năm nay Ban tổ chức bố trí gần 4.400 chiếc với đầy đủ phao cứu sinh. Toàn bộ phương tiện từ năm ngoái đã được sơn màu xanh lá cây để dễ nhận diện và hòa nhập với môi trường thiên nhiên. Gần 8.800 người lái đò là bà con ở khu vực xung quanh, hàng năm đều được tập huấn để có sự hiểu biết và chấp hành luật giao thông đường thủy.
Chuyện lái đò vòi thêm tiền của khách, theo Trưởng ban tổ chức hoàn toàn không có mà đây là sự hiểu nhầm. Ông Hậu giải thích, có quy định rõ ràng giá vé đi đò cho từng người là 35.000 đồng, đò nhỏ nhất cũng chở đến 6 người. Do đó, nếu khách đi một chuyến với số lượng ít hơn sẽ trả thêm phụ phí. "Nhà đò không giải thích rõ nên bị hiểu nhầm là vòi tiền thêm. Nhưng đi đò cũng như taxi, nếu đông thì rẻ, ít người sẽ đắt. Những trường hợp 2-3 khách/chuyến thì vui lòng trả thêm cho người lái đò", Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương nói.
Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cũng cho biết, các biển báo công khai giá vé tham quan thắng cảnh (50.000 đồng/người), tiền đò (35.000 đồng/người), vé cáp treo (140.000 đồng/người) đã được dựng xong. Khách tham quan có thể dựa vào đó để biết mình có bị "chặt chém", vòi tiền thêm không. Ban tổ chức cũng cung cấp số điện thoại đường dây nóng để nhận thông tin phản ánh từ du khách và nhanh chóng xử lý nghiêm.
![ban-to-chuc-le-hoi-chua-huong-khong-co-chuyen-nha-do-voi-tien-khach-1](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/01/18/le-hoi-chua-huong-3-1113-1453112120.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5_0oWsU8VOtoh_JZGZBm9A)
Ban tổ chức lễ hội chùa Hương phủ nhận thông tin nhà đò vòi thêm tiền của du khách mà cho rằng đó là tiền phụ phí cho những đò chỉ có 2-3 khách đi/chuyến. Ảnh: Giang Huy.
Việc treo móc thịt động vật dọc đường vào chùa, theo Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương, là khó khăn lớn nhất những năm trước đây. Tuy nhiên, từ 2015, tình trạng này đã được xử lý triệt để nên không gây bức xúc nữa. Mùa lễ hội năm nay, Ban tổ chức tiếp tục cam kết không để diễn ra hiện tượng treo móc thịt các loại trong tủ, ngoài cửa hàng gây phản cảm, mất vệ sinh.
Ban tổ chức đã tập huấn cho các chủ hàng kinh doanh về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ những quán có giấy chứng nhận của Trung tâm Y tế dự phòng huyện mới được hoạt động. Vấn đề vệ sinh môi trường được giải quyết bằng cách đặt sọt rác bằng tre trên các ngả đường, mỗi chiếc đò để hạn chế việc xả rác bừa bãi và giúp vận chuyển dễ dàng hơn.
Các hoạt động bói toán, bán thẻ, mê tín dị đoan, ăn xin ăn mày, đổi tiền lẻ chênh lệch giá, xe ôm, taxi đeo bám, bán hàng "chặt chém" khách… được ban tổ chức cho biết, sẽ kiểm soát và xử lý nghiêm.
Doanh thu đầu vào mỗi mùa lễ hội chùa Hương, theo Trưởng ban tổ chức Nguyễn Văn Hậu, khoảng 500-700 tỷ đồng. Số tiền này gồm vé đi đò, tham quan thắng cảnh, cáp treo, ăn uống của khoảng 1,4 triệu khách, mỗi khách tiêu trung bình 300.000-400.000 đồng. "Ban tổ chức chỉ thu được 50.000 đồng tiền cáp treo của mỗi khách để trả lương cho hơn 400 nhân viên khu di tích và đầu tư vào hạ tầng. Tiền vận chuyển vật liệu qua sông, núi đã chiếm đến 50% kinh phí công trình", ông Hậu nói và cho biết, bởi lý do đó nên một số hạng mục như mua phao cứu sinh Ban tổ chức vẫn phải xin từ thành phố.
Công trình xây dựng trái phép Hương nghiêm pháp đường ở khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, theo Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, sẽ bắt đầu chỉnh sửa một số hạng mục. Cụ thể đến trước Tết Nguyên đán sẽ cắt ngay ống nước hình đầu rồng, nếu kịp sẽ đắp hình cá chép; thay thế toàn bộ tháp 11 tầng bằng chậu cây. Những hạng mục còn lại sẽ điều chỉnh dần sau đó.
Quỳnh Trang