Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc vừa ký quyết định thành lập 7 Tổ giúp việc và Tổ tổng hợp phục vụ 7 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.
Các tổ giúp việc sẽ giúp lãnh đạo Đoàn công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cụ thể, tổng hợp kết quả làm việc và những nội dung cần được bàn bạc, thảo luận tại các buổi làm việc của Đoàn.
Thành viên của các tổ giúp việc đến từ nhiều cơ quan, gồm Ủy ban kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ và Ban Nội chính Trung ương. Tổng số thành viên lên đến 79 người, với nhiều cán bộ cấp phó vụ trưởng, vụ trưởng, cục trưởng…
Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban chỉ đạo) đã ký Quyết định thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Anh Tuấn (Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, người được phân công phụ trách việc tổng hợp kết quả kiểm tra, giám sát) cho biết trong 3 năm từ 2013 đến 2015, Ban chỉ đạo đã thành lập 25 đoàn công tác tiến hành kiểm tra, giám sát, đôn đốc tại 15 bộ ngành trung ương và 29 địa phương. Năm 2016, Ban chỉ đạo thống nhất tổ chức 7 đoàn công tác tiến hành kiểm tra, giám sát tại 14 tỉnh.
“Quá trình kiểm tra không có vùng cấm”, ông Tuấn khẳng định.
Cụ thể, Ban chỉ đạo và các đoàn công tác không làm thay chức năng của cơ quan nhà nước, khi phát hiện tiêu cực thì sẽ báo cáo hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ. Tinh thần là xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ về kỷ luật Đảng, hành chính, kinh tế, kể cả về tổ chức (ví dụ như cách chức...), nếu đến mức độ tội phạm thì xử lý hình sự những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, bao che tham nhũng.