Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa ra quyết định công nhận 12 di tích cấp quốc gia, trong đó có ba di tích khảo cổ gồm: bãi đá khắc cổ Khe Hổ (xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La); địa điểm Hòa Diêm (xã Cam Thinh Đông, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa); Thành Lồi (phường Thủy Xuân - Thủy Biểu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Thành Lồi là công trình kiến trúc cổ, di tích lịch sử văn hóa Chămpa hiếm hoi còn sót lại ở cố đô Huế. Thành nằm trên đồi Long Thọ, phía tả ngạn sông Hương. Theo Đại Nam Nhất thống chí, tương truyền đây là chỗ ở của vua Chiêm Thành gọi là Phật Thệ, tục gọi là thành Lồi.
Nghiên cứu của GS Trần Quốc Vượng cho thấy, công trình có niên đại vào khoảng thế kỷ V-VI (cùng niên đại thành Trà Kiệu). Thành có dạng gần vuông, với kết cấu lũy thành trên cơ sở lợi dụng triệt để địa hình tự nhiên. Thành được đắp bởi 2 lớp đất, kè đá và gạch vỡ, một số đoạn đắp thêm lớp đất trên mặt. Hiện nay, các bờ lũy này không còn nguyên dạng, trừ lũy phía Tây, Ðông.
Trong 3 di tích khảo cổ được công nhận lần này, Hòa Diêm gồm 4 địa điểm Hòa Diêm, Hòa Diêm 2, Gò Duối, Gò Miếu còn khá nguyên trạng. Di chỉ này có niên đại từ thế kỷ V-VI trước công nguyên đến thế kỷ I-II sau công nguyên. Đây vừa là di chỉ cư trú, vừa là di chỉ mộ táng của cư dân tiền sơ sử.
Theo các nhà khảo cổ, di chỉ Hòa Diêm có giá trị đặc biệt về mặt khoa học. Nó chứa đựng những nét đặc trưng về khu cư trú của cư dân thời tiền sơ sử, cũng như hình thức mộ táng của những cư dân này.
Trong lần xếp hạng di tích quốc gia lần này, có 2 di tích kiến trúc nghệ thuật là lũy đá Kỳ Anh (xã Kỳ Lạc, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và đình Bình Mỹ (xã Bình Mỹ, Châu Phú, An Giang), còn lại là những di tích lịch sử.
7 di tích lịch sử được xếp hạng gồm: đình Tân Xuân (thị trấn Tầm Vu, Châu Thành, Long An); đền thờ Hồ Hưng Dật (xã Ngọc Sơn, Quỳnh Lưu, Nghệ An); địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Hà Lam - chợ Được năm 1954 (xã Bình Triều, Thăng Bình, Quảng Nam); địa điểm chiến thắng Đồng Xoài (phường Tân Phú, Đồng Xoài, Bình Phước); đề Mục và chùa Hương Ấp (xã Tiên Phong, Phổ Yên, Thái Nguyên); nơi thành lập Đại đoàn quân tiên phong 308 (thị trấn Đu, Phú Lương, Thái Nguyên); địa điểm cơ quan Tổng cục Chính trị Quân đội nhân nhân Việt Nam tại đồi Thẩm Tắng (1950-1954, xã Định Biên, Định Hóa, Thái Nguyên). |
Quỳnh Trang