Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ ngày 18/9, ngoài những con số cập nhật cho năm 2013, đại diện Chính phủ nhận định thực trạng tham nhũng “vẫn nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực…”. Các thành viên Ủy ban Thường vụ tỏ ý không hài lòng, cho rằng đây là "điệp khúc" quen thuộc. Nhiều ý kiến góp ý cho cả báo cáo lẫn thẩm tra khiến thời lượng dành cho nội dung này kéo dài hơn một giờ so với kế hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý yêu cầu Chính phủ đưa ra con số chứng minh bởi dư luận bức xúc về thực trạng tham nhũng. “Tội phạm càng ngày càng nguy hiểm, tinh vi thì phải đưa ra được biện pháp ngày càng tinh thông hơn. Hiện, tôi thấy biện pháp nhiều rồi, vậy đánh giá hiệu quả ra sao”, ông Lý đặt vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nếu không tham nhũng thì quan chức “lấy tiền đâu đi nhậu, đi chơi này đi chơi kia, chức vụ này chức vụ kia không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy”. “Người dân ai mà chẳng muốn đấu tranh chống tham nhũng? Hay là người ta chán rồi, đấu tranh mãi, góp ý mãi, đưa lên báo mãi nhưng không có tác dụng gì?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi với đại diện Chính phủ.
Phó viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong đánh giá, hiện thiếu cơ chế giám sát chính các cơ quan phòng, chống tham nhũng. "Có nhiều cơ quan có chức năng chống tham nhũng nhưng lại thiếu cơ chế kết nối và để xảy ra tình trạng như nhiều đại biểu Quốc hội nói là "lắm sãi không ai đóng cửa chùa". Tôi đề nghị có một cơ quan điều tra độc lập chống tham nhũng. Trên thế giới có nhiều nước thành lập cơ quan này cho thấy hiệu quả rất cao", ông Phong nói. |
Ông Hùng muốn có thông tin về đánh giá của công luận trong và ngoài nước về hiệu quả chống tham nhũng. Theo Chủ tịch Quốc hội, báo cáo cũng chưa đề cập liệu trong lực lượng đấu tranh phòng, chống tham nhũng có tham nhũng hay không.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng băn khoăn khi nhiều vụ án bị đình chỉ điều tra, mức án đưa ra dưới khung hay ít chuyển cơ quan điều tra những sai phạm bị phát hiện tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ sau thanh tra, kiểm toán. Theo ông Hiện, đây là những câu hỏi “rất khó trả lời”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước yêu cầu giải đáp vì sao các vụ án tham nhũng khi điều tra, truy tố, xét xử lại bị kéo dài. Người dân trộm cắp vài triệu đồng thì bị bỏ tù trong khi cán bộ sai phạm hàng tỷ đồng lại được hưởng án treo hoặc xử lý hành chính.
“Có những vụ án thông tin ra công luận tưởng rõ ràng rồi, nhưng cuối cùng lại đi vào im lặng. Tôi ở trung ương, được cho là có nhiều thông tin nhất nhưng nhiều khi cũng rất băn khoăn”, ông Ksor Phước phát biểu.
Nhắc tới vụ án Dương Chí Dũng, ông Ksor Phước cho biết, ông nghe thông tin nhiều cán bộ có liên quan nhưng rồi xử lý đến đâu thì không rõ. Ông đề nghị 3 tháng một lần phải công khai thông tin quá trình xử lý các vụ án tham nhũng.
"Cứ âm thầm, thông tin mù mờ như vậy thì dân hoài nghi. Báo cáo cũng phải nói rõ tỉnh nào làm tốt, tỉnh nào làm kém công tác xử lý tham nhũng, tiêu cực, sai phạm”, ông Ksor Phước yêu cầu.
Theo báo cáo của Chính phủ, 8 tháng qua đã phát hiện 73 vụ, 80 người có hành vi liên quan tham nhũng với số tiền 117 tỷ đồng, chuyển cơ quan hình sự 11 vụ, 34 nghi can. 36 người đứng đầu bị xử lý vì để xảy ra tham nhũng, trong đó 4 bị xử lý hình sự.
Ủy ban Tư pháp nhận xét, Chính phủ báo cáo đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa song tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm mà ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. So với cùng kỳ năm 2012, việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tăng cả về số vụ và người phạm tội (khởi tố tăng 8 vụ với 91 bị can; truy tố tăng 91 vụ với 202 bị can). Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng lại giảm 34%.
Nguyễn Hưng