Tối 25/4, Bộ Tài nguyên - Môi trường đến làm việc với tỉnh An Giang vấn đề tài nguyên đất, nước, ô nhiễm môi trường và tình trạng sạt lở nguy hiểm đang diễn ra.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh An Giang, hai năm qua trên địa bàn xảy ra 38 vụ sạt lở bờ sông, cuốn trôi 142 căn nhà và nhiều tài sản của người dân, ước thiệt hại hơn 200 tỷ đồng.
Riêng vụ sạt lở ở xã Mỹ Hội Đông từ 21/4 đã nhấn chìm 16 căn với chiều dài 70 m, lấn sâu vào bờ trên 35 m. Đến nay có hơn 105 ngôi nhà được di dời, ước tính thiệt hại khoảng 9 tỷ đồng.
Ông Lâm Quang Thi - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết hiện ngoài xã Mỹ Hội Đông thì địa phương còn có 2 điểm sạt lở rất nguy hiểm với chiều dài hơn 270 m cũng được lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt.
Toàn tỉnh hiện có 51 đoạn có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài hơn 160 km (chiếm 40% đường bờ sông trên địa bàn). Trong đó, 15 đoạn dài 30 km nằm trong tình trạng sạt lở nguy hiểm, uy hiếp hơn 20.000 hộ dân, tạo nhiều áp lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
Nguyên nhân gây sạt lở do chế độ dòng chảy của các sông trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều trong mùa kiệt, chế độ dòng chảy từ thượng lưu về trong mùa lũ, diễn biến thời tiết bất thường có mưa trái mùa phức tạp….
Tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trưởng đề xuất Chính phủ có chính sách về nhà ở di dời hơn 20.000 hộ ảnh hưởng sạt lở bờ sông trong vòng 5 năm tới.
Bộ trưởng Tài nguyên - Môi Trường Trần Hồng Hà cho biết sẽ chỉ đạo Viện Khoa học địa chất phối hợp với các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu, đánh giá cụ thể, bài bản về hiện trạng sạt lở ở sông Tiền, sông Hậu. Từ đó, đề xuất giải pháp giúp An Giang đưa ra hướng xử lý căn cơ, ổn định dòng chảy những nơi nguy hiểm được cảnh báo.
Hôm nay, Bộ trưởng sẽ trực tiếp khảo sát hiện trạng khu vực sạt lở cũng như đời sống người dân bị ảnh hưởng để báo cáo với Chính phủ đề xuất giải pháp hỗ trợ.
Cửu Long