Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước sông Sài Gòn – Đồng Nai đang lên nhanh theo kỳ triều cường và đạt đỉnh trong những ngày tới. Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường có khả năng ở cấp độ 3, nếu gặp mưa lớn sẽ gây ngập ở những vùng trũng thấp.
Có ít nhất 9 tuyến đường có khả năng bị ngập là: Lương Định Của, Nguyễn Văn Hưởng, Xa lộ Hà Nội (quận 2), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Lê Văn Lương (Nhà Bè) Trần Xuân Soạn (quận 8 ), Quốc lộ 50 (Bình Chánh), Tỉnh lộ 10 (Bình Tân) và Đường số 26.
Mực nước đo được tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) sẽ duy trì liên tục từ ngày 14 đến 20/10, trên báo động II. Trong đó, từ ngày 15 đến 19/10, mực nước cao nhất sẽ đạt và vượt mức báo động III. Đỉnh triều cao nhất trong đợt này xuất hiện vào ngày 17–18/10.
Tại trạm Phú An và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) có khả năng lên mức 1,62–1,67m (cao hơn báo động III 0,12–0,17m). Thời gian xuất hiện đỉnh triều 5–7h và 17–19h các ngày.
Trung tâm chống ngập đã phối hợp Công ty Thoát nước đô thị thành phố triển khai nhiều phương án đối phó. Dự kiến có khoảng 200 người và 30 phương tiện máy móc thiết bị (xe cẩu, xe tải, xe hút, máy bơm) thường xuyên tham gia.
Các lực lượng tập trung 9 điểm ngập trọng điểm của thành phố. Trước mưa sẽ triển khai vớt rác ở miệng cống, bố trí nhân sự túc trực tại các vị trí có khả năng gây ngập. Trong mưa, nhân viên 2 đơn vị này vớt rác và thanh thải các chướng ngại vật trước các miệng thu nước.
Họ cũng được giao nhiệm vụ cảnh giới, hỗ trợ, phân luồng giao thông để người dân lưu thông thuận tiện; liên lạc với lực lượng cảnh sát PCCC, các đơn vị công ích, hỗ trợ ứng cứu khi xuất hiện ngập tại tầng hầm của các tòa nhà.
Trước đó, chiều tối 26/9, cơn mưa lớn nhất trong 40 năm xảy ra tại TP HCM đã biến hàng chục con đường thành sông. Nhiều nơi ngập sâu hơn 0,5 m, giao thông kẹt cứng khắp nơi.
>> Xem thêm: Tình trạng ngập lụt ở TP HCM như thế nào qua 8 năm
Sơn Hòa