Tại Bình Định, do nước lũ lên nhanh và bất ngờ, sáng 15/11, trong lúc đi thả bò, anh Trần Thanh Giản, 17 tuổi, ở thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân) bị nước lũ bất ngờ đổ về, cuốn trôi. Đến 10h, người dân và chính quyền địa phương mới vớt được xác nạn nhân. Tính đến 21h ngày 15/11, Bình Định có thêm 3 người chết nâng số người tử vong ở tỉnh này do áp thấp lên 4.
Mưa lớn, lũ lên nhanh khiến các địa phương ở Bình Định ngập trong biển nước và người dân không kịp trở tay. Toàn huyện Hoài Ân có đến 2.313 nhà dân bị ngập nước. Mưa lũ cũng làm sạt lở và ngập đường tránh trên tuyến tỉnh lộ ĐT 638 khiến giao thông bị ách tắc, hơn 2.000 hộ dân bị nước lũ chia cắt.
Nước lũ dâng cao tận nóc nhà ở khu vực Diêu Trì. Ảnh: Văn Minh |
Các huyện vùng miền núi và trung du gồm Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão đều ngập sâu trong biển nước. Còn các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn lũ lớn đã chia cắt nhiều vùng trũng tại địa phương. Tại huyện Vĩnh Thạnh, lũ lớn làm sạt lở nhiều tuyến đường. Trong đó tuyến đường từ xã Vĩnh Kim đến Vĩnh Sơn không đi lại được vì bị sạt lở nặng và bị ngập nước. Làng O3, xã Vĩnh Kim bị nước cô lập hoàn toàn, trong đó 3 ngôi nhà bị sập.
Tình trạng tương tự xảy ra ở các huyện miền biển như Tuy Phước, Hoài Nhơn. Nước lũ còn cô lập 100 hộ dân ở thôn Cảnh An, xã Phước Thanh và hơn 20 hộ dân thôn Luật Lễ, thị trấn Diêu Trì. Tại Tuy Phước, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh và mạnh làm cho một số đoạn đê sông Hà Thanh khu vực dưới cầu Diêu Trì bị vỡ. Nước tràn mỗi lúc một cao, nhấn chìm hệ thống đường ray khu vực ga Diêu Trì (thị trấn Diêu Trì) làm tuyến đường sắt Bắc Nam hướng vào tỉnh Phú Yên bị tê liệt.
"Do ảnh hưởng của mưa lũ, hiện đã có 3 đoàn tàu mang số hiệu SE21, SE1, TN1 phải dừng tại ga. Ga Diêu Trì không bị ngập lụt, song tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn qua xã Canh Vinh (huyện Vân Canh, Bình Định) bị hư hỏng, ngập nước phải chờ khắc phục. Khi thông đường các đoàn tàu mới có thể hoạt động", ông Lê Đình Thọ, Trưởng ga Diêu Trì cho biết.
Nước lũ cũng làm Quốc lộ 19 từ huyện Tây Sơn đi TP Quy Nhơn và các huyện bị chia cắt nhiều đoạn. Lực lượng chức năng phải lập chốt chặn, phong tỏa việc đi lại bằng phương tiện vận tải thô sơ và xe máy. Hiện mực nước lũ ở sông Kôn đạt đỉnh, tương đương với lũ lịch sử năm 1999. Nội thành Quy Nhơn tối nay vẫn chìm trong cơn mưa lớn, với một số khu vực như Phú Tài, Nhơn Bình, Nhơn Phú bị ngập sâu.
Nước bất ngờ dâng cao khiến 25.000 người dân Quảng Ngãi phải chạy lũ. Ảnh: Trí Tín |
Tại Quảng Ngãi, sáng nay áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn kèm lốc xoáy bất ngờ đã hất văng em Vương Thị Thu Thủy, học sinh lớp 5C, trường tiểu học Nghĩa Hành (huyện Nghĩa Hành) đang trên đường đi học xuống vực khiến em bị chết đuối.
Lũ tràn về khiến nhiều khu vực ở địa phương này đang bị cô lập, 25.000 người đã phải chạy lũ. Nhiều tuyến đường, khu dân cư ở các xã Sơn Cao, Sơn Linh, Sơn Thủy, Sơn Kỳ, Sơn Ba của huyện miền núi Sơn Hà bị ngập khiến 3.000 học sinh ở đây phải nghỉ học để đảm bảo an toàn. Ở huyện miền núi Ba Tơ, nước lũ gây ngập sâu, cô lập 6 hộ dân ở thôn Mang Đen, xã Ba Vì. Còn tại huyện Sơn Tây, mưa gió lớn tiếp tục gây sạt lở núi nghiêm trọng, tắc nghẽn giao thông trên nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện về các xã.
Tại Quảng Nam, tối 15/11 xảy ra mưa lớn, mực nước đổ về hồ thủy điện Sông Tranh 2 lớn nhất kể từ khi xảy ra các sự cố chống thấm, đã qua ngưỡng tràn và đang xả xuống hạ du. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, đến chiều 15/11, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn với lượng phổ biến từ 100 mm – 150 mm. Theo dự báo, Quảng Nam còn có mưa to đến rất to, mực nước các sông Vu Gia, Thu Bồn có khả năng lên mức báo động 2, 3 và trên báo động 3 vào đêm nay và sáng mai.
Theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Phó Ban chỉ huy Phòng chống giảm nhẹ thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bắc Trà My, hiện lượng nước đổ về hồ Sông Tranh 2 lớn nhất từ khi xảy ra các biến cố thấm, nước chảy xối xả ra phía hạ lưu tại đập chính thủy điện này.
Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Phan Đức Tính cho biết, mực nước trên sông Vu Gia đã vượt mức báo động 3, nước đang lên nhanh do mưa lớn cộng với các thủy điện đồng loạt xả lũ, dự kiến mực nước sẽ lên cao vào đêm nay và ngày mai. Chính quyền huyện Đại Lộc đang tiến hành công tác sơ tán dân. Hiện một số tuyến đường tại thị trấn Ái Nghĩa nước chảy tràn qua rất mạnh. Nhiều nhà dân vùng thấp trũng của các xã Đại Hưng, Đại Lãnh và thị trấn Ái Nghĩa nước cũng tràn vào nhà.
Tại Gia Lai, mưa lớn từ đêm qua làm nước ở các sông suối dâng cao. Khoảng 5h30 sáng nay, 2 cô giáo đang trên đường đi dạy khi đi đến ngầm tràn qua suối Tà Nang ở thôn 10, xã Đông, huyện Kbang đã bị nước cuốn trôi. Hiện thi thể một người đã được tìm thấy.
Nước sông Kỳ Lộ dâng cao gần ngập cầu La Hai. Ảnh: Chí Phan |
Cũng bị mưa lớn kéo dài từ tối qua và suốt hôm nay, hầu hết các tuyến đường trong TP Huế (Thừa Thiên - Huế) cùng nhiều huyện bị ngập nặng. Công chức tan sở, học sinh, sinh viên tan trường… phải bì bõm lội nước về nhà. Mưa lớn tạo thành dòng chảy xiết trên đường. Hầu hết xe máy qua lại trên mọi tuyến đường đều bị ngập nửa xe và chết máy, giao thông bị ngưng trệ. Nhiều ôtô xếp hàng kẹt cứng trên các tuyến đường An Dương Vương, Nguyễn Huệ...
Đến khoảng 18h, nước đã tràn vào nhà, người dân phải kê dọn đồ đạc lên cao và chạy lũ. Tại các phòng trọ nước đã tràn vào phòng hơn 1m, xe máy, xe đạp và đồ đạc cũng được sinh viên kê lên cao đề phòng nước tiếp tục dâng.
21h, trên địa bàn Thừa Thiên - Huế tiếp tục có mưa lớn. Nước đã tràn vào nhiều nhà dân và khu nhà trọ của sinh viên. Việc đi lại khó khăn. Nhiều người lo sợ nước sẽ tiếp tục dâng cao trong đêm nên chuyển đồ đạc tới những nơi cao ráo và di tản đến những nhà cao hơn lánh tạm.
Tại nhiều huyện như Quảng Điền, thị xã Hương Trà… nước cũng đã vào đến nhà người dân. UBND huyện Quảng Điền đã huy động nhân lực và sử dụng hơn 2.500 bao tải, 60 rọ thép 1m2 để gia cố xử lý chống sạt lở đê Nho Lâm Nghĩa Lộ.
Tại Phú Yên, hàng nghìn người dân cũng đang chạy đua với nước lũ do mưa lớn, nước sông lên nhanh gây ngập nhiều nơi. Tại huyện Đồng Xuân, nước sông Kỳ Lộ dâng cao làm ngập cầu La Hai trên 1m, hàng trăm người qua lại phải đi trên đường sắt. Xe buýt, xe tải nằm kẹt hai bên đầu cầu.
Cũng do nước lũ lên nhanh nên cầu Suối Tía (xã Xuân Phước) ngập sâu trên 1m, hàng nghìn học sinh ở các trường tiểu học, THCS xã Xuân Phước và Xuân Quang 3 phải nghỉ học. Khu vực Cầu Chùa (xã Xuân Sơn Nam, Đồng Xuân), nước ngập sâu gần 1m và vẫn tiếp tục lên cao, người dân sống gần khu vực này phải cơi nới tủ bàn, đồng thời vận chuyển các vật dụng ti vi, tủ lạnh chạy vào Xóm Gò (Xuân Sơn Nam) tránh lũ.
Tại huyện Tuy An, đoạn cầu Cây Cam từ xã An Định đi xã An Nghiệp, nước ngập sâu trên 0,5m. Riêng tuyến đường từ ĐT 641 đi qua thôn Định Trung 2 (xã An Định), nước lũ ngập sâu gần 1m. Nước chảy xiết cũng đã làm vỡ bờ bao Suối Tre, xã Xuân Thọ 2 (thị xã Sông Cầu), nhiều nhà dân cạnh khu vực này bị nước lũ cuốn đất đá, cát bồi lấp vào nhà. Chính quyền xã này cho biết đã có 2 ngôi nhà bị xiêu vẹo.
Ngoài ra, cơn mưa lớn từ đêm qua cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở nhiều nơi. Khoảng 6h30, một khối đá nặng hàng tấn từ trên núi bất ngờ đổ xuống đường ray xe lửa khi đoàn tàu chở gần 500 người đang lao tới. Tàu không kịp dừng đã khiến phần đầu máy nặng hàng chục tấn đâm vào đá, trật bánh khỏi đường ray. Rất may toàn bộ hành khách, lái tàu, nhân viên phục vụ đều an toàn. Tuy nhiên, giao thông đường sắt đã bị ách tắc nhiều giờ.
Tại thị xã Sông Cầu, đến 17h ngày 15/11, 209 hộ dân với hơn 770 người ở những vùng trũng thấp, ven sông, vùng bị sạt lở bị lũ đe dọa ở đã được sơ tán đến nơi an toàn. Ngoài ra, hơn 2.600 phương tiện tàu cá được neo đậu ở những vị trí theo quy định; 8.000 lồng nuôi trồng thủy sản được thả sát đáy; 865 bè với hơn 6.000 lồng nổi và hơn 3.500 lồng nuôi cá mú được neo đậu theo đúng phương án triển khai.
“Mưa to gió lớn kết hợp với thủy triều lên đã làm cho nhiều khu vực trên địa bàn thị xã Sông Cầu bị cô lập chia cắt từ sáng 15/11 như Xuân Lâm, Xuân Lộc, Xuân Phú…”, ông Đỗ Văn Chính, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy PCLB-TKCN thị xã Sông Cầu cho biết.
Cũng theo ông Chính, sáng cùng ngày, có một người mất tích hiện vẫn chưa tìm thấy là ông Đỗ Văn Lanh ở thôn Từ Nham (xã Xuân Thịnh). Ông Lanh khi đưa tàu cá vào bờ thì bị sóng đánh chìm, cuốn theo dòng nước. Ngoài ra, còn có 4 tàu cá khác của các ông Nguyễn Văn Ký (thôn Hòa Hiệp, xã Xuân Thịnh), Ngô Thanh Bình, Võ Văn Đầy và Huỳnh Đức Tốt (phường Xuân Thành) bị sóng đánh chìm, hư hỏng nặng.
Trước tình trạng lũ trên các sông Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang lên rất nhanh khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo các tỉnh này cùng bộ, ngành chủ động, ứng phó kịp thời những sự cố do mưa lũ gây ra.
Trong công văn hỏa tốc lúc 19h ngày 15/11, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương) yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và Tây Nguyên tập trung mọi lực lượng, tổ chức sơ tán nhân dân ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Đồng thời, huy động lực lượng kiểm soát chặt chẽ giao thông tại những khu vực bị ngập sâu, các bến đò, ngầm qua suối để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn, đặc biệt là nghiêm cấm việc vớt cũi khi có lũ. Bên cạnh đó, các tỉnh phải phối hợp vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi để đảm bảo an toàn công trình và cắt giảm lũ cho hạ lưu.
Công văn hỏa tốc của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng yêu cầu các Bộ Công thương, Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo vận hành đảm bảo an toàn hồ thủy điện, thủy lợi kết hợp giảm lũ cho hạ du khi điều kiện cho phép. Bộ Quốc phòng được giao chỉ đạo triển khai các lực lượng hỗ trợ các địa phương sơ tán nhân dân, duy trì lực lượng phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cầu khi có yêu cầu.
Bộ Công an và Giao thông Vận tải cũng được đề nghị chỉ đạo, kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn trật tự trị an trong khu vực xảy ra lũ lớn, đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục sự cố giao thông.
Nhóm phóng viên