- Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nêu con số 30% công chức không làm được việc, tương đương 840.000 người, tuy nhiên dự thảo tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ đưa ra mục tiêu tinh giản 100.000 người trong vòng 6 năm. Ông đánh giá như thế nào về con số này?
- Hiện nay, cả hệ thống chính trị có khoảng 400.000 cán bộ công chức, lĩnh vực sự nghiệp công có khoảng 2,4 triệu người, chưa kể khối doanh nghiệp…Vì vậy, dự thảo dự kiến giảm 100.000 công chức, viên chức là phù hợp. Nhưng cần nhận thức rõ tinh giản số lượng chưa quan trọng bằng sắp xếp và phân cấp lại tổ chức cho hợp lý, xác định rõ vị trí, công việc của từng công chức để tạo cơ cấu công chức hợp lý trong tổng thể chung.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc. Ảnh: TD. |
Con số 30% cán bộ, công chức không làm được việc được xác định sau khi tổng kết, đánh giá thống kê điều tra trong cán bộ quản lý, công chức giai đoạn 2001 - 2010. Đây thực chất là những người đã đi qua chiến tranh, thực hiện chính sách của nhà nước vẫn huy động họ vào làm việc trong một thời gian; một bộ phận khác làm trái ngành, trái nghề và có cả những bộ phận sức khỏe không đảm bảo.
Một nguyên nhân từ phía cơ quan sử dụng công chức là chưa huy động, sử dụng đúng năng lực của cán bộ, công chức vào việc cơ quan. Nói như vậy để nhìn rõ 30% công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” nằm trong những đối tượng như vậy chứ không phải những người này không dùng được.
- Thực tế đã có nhiều đợt tinh giản biên chế nhưng kết quả không như mong muốn. Đợt tinh giản này, xã hội tiếp tục lo ngại hiện tượng đầu voi đuôi chuột hoặc "con vua thì lại làm vua". Ý kiến của ông thế nào?
- Tinh giản biên chế là công việc thường xuyên của mọi cơ quan nhà nước, cơ quan công vụ trong quá trình sử dụng cán bộ, công chức. Việc giảm biên chế của những đợt trước thực hiện theo cách nếu anh đang làm công việc không phù hợp thì cho đi đào tạo lại, còn những ai không đáp ứng được yêu cầu thì chuyển họ sang lĩnh vực khác như sản xuất, kinh doanh, đơn vị sự nghiệp…
Người phương Đông thường có nhiều mối quan hệ tình cảm, gây khó khăn cho người đứng đầu tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ. Thực tế cũng cho thấy không ai có thể tự cắt tay, cắt chân mình và rất hiếm lãnh đạo có thể tự giảm biên chế tại chính cơ quan họ. Vì vậy tinh giản biên chế chưa thành công.
Trước yêu cầu của quá trình đổi mới và quản trị đất nước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, lãnh đạo phải đối chiếu lại tất cả yêu cầu để sắp xếp đội ngũ.
Để đảm bảo khách quan sẽ có hai luồng đánh giá, một từ nội bộ như xưa nay vẫn làm, như tự đánh giá và cơ quan đánh giá. Ở kỳ này, nên có một tổ chức đánh giá gồm các chuyên gia, những người có trình độ, sự am hiểu và có thẩm quyền để có thể quyết định ai phù hợp, ai không, ai làm được việc… Nếu làm được như vậy thì đợt tinh giản này mới đem lại hiệu quả.
Cũng cần thay đổi tư duy công chức trong thời kỳ mới là công bộc nằm trong nền công vụ phục vụ chứ không phải nền công vụ quản lý xin cho, ban phát.
- Có khi nào số lượng công chức tinh giản bằng với số sẽ được tuyển dụng thêm và bộ máy vẫn cứ phình to?
- Hàng năm, dân số nước ta tăng thêm cả triệu người thì việc gia tăng một lượng công chức tương thích cũng là đương nhiên. Bên cạnh đó, có những tổ chức mới xuất hiện do quá trình hội nhập, hay yêu cầu quản lý thì mình cũng cần phải có biên chế. Nhưng về cơ bản, nếu làm tập trung thì số lượng vào không thể bằng số tinh giản.
- Bộ Nội vụ dự kiến cần 8.000 tỷ đồng để tinh giản 100.000 người. Con số này so với lương phải trả cho 100.000 công chức trong vòng 6 năm như thế nào?
- Theo luật lao động, nếu người lao động đã ký hợp đồng mà không được sử dụng nữa thì cơ quan chủ quản phải thực hiện các chính sách bảo hiểm, bù đắp.
Số tiền 8.000 tỷ đồng là đề xuất chứ không phải là số đã được thông qua và nhà nước sẽ chia nhỏ, rót đều hàng năm. So với lương chi trả cho những người này trong vòng 6 năm thì 8.000 tỷ đồng thấp hơn nhiều.
Hoàng Thùy