UBND TP yêu cầu Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND quận, huyện để thực hiện kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn và đề xuất hướng xử lý trình thành phố.
Thành phố cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư có kế hoạch làm việc với thanh tra, công an, tư pháp TP HCM để nghiên cứu, tham mưu UBND TP về việc xử lý chủ doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Sở LĐTB&XH, 9 tháng đầu năm, có 7 chủ doanh nghiệp bỏ trốn (nhiều hơn năm 2013 hai vụ) khiến 8 tỷ đồng lương của 1.300 công nhân bị nợ, BHXH hơn 10 tỷ đồng chưa đóng làm nhiều công nhân "điêu đứng".
Trong đó nhiều doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài gây nhiều khó khăn do chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn. Từng địa phương đều tự mò mẫm thực hiện theo cách riêng bởi doanh nghiệp bỏ trốn không để lại tài sản giá trị.
Trong một hội thảo mới đây, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Huỳnh Thanh Khiết cho biết, nhiều người nước ngoài qua Việt Nam làm ông chủ chỉ với hai bàn tay trắng. Lợi dụng điều kiện ưu đãi dành cho các doanh nghiệp FDI, họ chỉ việc đứng ra vay tiền, thuê máy móc, công xưởng rồi tuyển công nhân. "Khi những ông chủ bỏ trốn, không chỉ công nhân mà ngân hàng và các đối tác cũng khổ sở vì không biết đòi đâu. Chính quyền cũng rối vì cách xử lý, tìm giải pháp hỗ trợ người lao động", ông Khiết nói.
Về việc xác định như thế nào là chủ doanh nghiệp bỏ trốn hiện chỉ có Thông tư liên tịch năm 2009 do Bộ LĐTB&XH ban hành. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, các quy định này quá chung chung và không xác định được cụ thể thế nào là chủ doanh nghiệp bỏ trốn để người lao động có thể khởi kiện đòi quyền lợi.
Tháng 8 vừa rồi, ông chủ người Áo của công ty Bách Hợp (quận 6) bỗng dưng "biến mất" khiến hàng trăm công nhân lao đao. Theo Liên đoàn Lao động quận 6, công ty này nợ công nhân từ 2-3 tháng lương và chưa đóng BHXH.
Duy Trần