Thông tin được đưa ra tại buổi công bố Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI 2014) sáng 14/4. Kết quả khảo sát cho thấy đánh giá của người dân về hiện trạng tham nhũng trong khu vực công ít chuyển biến tích cực, một số lĩnh vực thậm chí mức độ vòi vĩnh, nhũng nhiễu có xu hướng gia tăng.
“Hiện tượng phải đưa lót tay để xin việc làm trong cơ quan nhà nước dường như nổi cộm nhất, bởi có tới gần 50% số người được hỏi trên toàn quốc cho rằng có hiện tượng đó ở địa phương nơi họ sinh sống”, báo cáo viết.
“Để được phục vụ tốt hơn ở bệnh viện công lập tuyến huyện, khoảng 43% người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân đã phải chi trả tiền bồi dưỡng thêm cho cán bộ y tế. Để con em nhận được sự quan tâm tới chất lượng học tập ở trường tiểu học, có tới 30% số phụ huynh phải bồi dưỡng thêm cho giáo viên. Khoảng 33% số người xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi trả thêm ngoài quy định để nhận được kết quả trong năm 2014. Những con số này cho thấy xu hướng gia tăng hiện tượng tham nhũng vặt so với khảo sát PAPI năm trước đó”, ông Đặng Hoàng Giang, thành viên nhóm nghiên cứu cho hay.
Phát biểu tại buổi công bố, bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam thông tin, trong 6 chỉ số được đưa ra khảo sát, chỉ số sụt giảm điểm nhiều nhất là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở. Ví dụ khảo sát năm 2011, 71% số người được hỏi cho biết đã đi bầu đại biểu Hội đồng nhân dân. Nhưng kết quả khảo sát năm 2014 tỷ lệ này chỉ còn 51%. “Nguyên nhân có thể họ quên dần theo thời gian”, nhóm nghiên cứu lý giải.
"Thông qua việc cung cấp bằng chứng về trải nghiệm của công dân, PAPI và các dữ liệu mà khảo sát thu thập được giống như chiếc gương phản chiếu hiệu quả của chính quyền địa phương", bà Pratibha Mehta nói.
PAPI là kết quả nghiên cứu chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Báo cáo chỉ số PAPI 2014 tổng hợp ý kiến của hơn 13.500 người dân được chọn mẫu ngẫu nhiên trên toàn quốc.
Võ Hải