Chiều 10/6, ông Hồ Sỹ Biên, Trưởng chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị cho hay, đơn vị này vừa xác định có chất cực độc phenol trong một số mẫu lấy từ 30 tấn cá nục đông lạnh.
30 tấn cá này được một cơ sở chế biến cá đông lạnh ở thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh) thu mua ngay sau khi có tình trạng cá biển chết hàng loạt ở miền Trung. Do tâm lý e ngại cá biển nên số cá này được trữ đông đến nay.
Qua xét nghiệm, một số mẫu cá có hàm lượng phenol là 0,037 mg/kg. “Đây là dẫn xuất nhân thơm dùng trong công nghiệp để tẩy uế, sát khuẩn. Chất này tuyệt đối không được có trong thực phẩm, kể cả bao bì thực phẩm, thậm chí thức ăn chăn nuôi”, ông Biên thông tin.
Về nguồn gốc, nguyên nhân khiến số cá trên bị nhiễm độc phenol, ông Biên cho hay chỉ có thể khẳng định có chất độc trong mẫu kiểm nghiệm, chứ không thể xác định việc nhiễm độc từ đâu.
Với hàm lượng 2-5 gram, chất phenol gây ngộ độc cấp, và 10 gram gây chết người. “Dù hàm lượng trong mẫu kiểm nghiệm ít, không gây ngộ độc bây giờ nhưng tiềm tàng nguy hiểm về sau”, ông Biên nói.
Bên cạnh chỉ tiêu phenol, mẫu này không phát hiện 4 chất asen, chì, thủy ngân và cyanua. 7 chỉ tiêu khác gồm cadimi crom, niken, đồng, sắt, kẽm và mangan nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam 8-2:2001 của Bộ Y tế.
Ngoài mẫu cá bị nhiễm độc phenol trên, Chi cục này còn thực hiện kiểm nghiệm 5 mẫu cá đông lạnh khác của cùng cơ sở, gồm các mẫu cá trích, cá ngừ, cá sòng và 2 mẫu cá nục thu mua trước và sau thời điểm cá chết 10 ngày. Tất cả 5 mẫu này đều có “chỉ tiêu kiểm nghiệm trong giới hạn cho phép”.
>> Video: Chủ cơ sở giải thích nguồn gốc 30 tấn cá chứa độc
Cơ sở này hiện trữ đông 110 tấn cá, trong đó có 30 tấn cá nục thu mua ngay sau thời điểm cá chết, hiện được đề xuất tiêu hủy.
Thời gian tới, Chi cục này tiếp tục lấy mẫu tại 7 cơ sở đông lạnh khác, với số lượng cá dưới 10 tấn ở Cửa Tùng để kiểm nghiệm.
Theo ngư dân, đợt cá biển chết hàng loạt vừa qua không có cá nục. Loại này sống cách bờ khoảng 15 km, ở độ sâu khoảng 30 mét.
Hoàng Táo