Tại dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm và mang thai hộ do Bộ Y tế chủ trì, đang lấy ý kiến đóng góp, có một chương đề cập việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Trong đó, Bộ đề xuất 2 phương án lựa chọn cơ sở thực hiện mang thai hộ.
Phương án thứ nhất, tùy từng thời kỳ Bộ trưởng Y tế sẽ lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện việc này. Bộ dự kiến chọn 3 bệnh viện gồm: Phụ sản trung ương, Phụ sản Từ Dũ TP HCM và Đa khoa trung ương Huế. Mục đích là để tránh thực hiện mang thai hộ tràn lan, hạn chế những biến tướng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.
Phương án thứ hai, Bộ Y tế đề xuất những nơi được thực hiện mang thai hộ là cơ sở đã được Bộ công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Trong dự thảo, Bộ Y tế cũng quy định cụ thể về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo… Các hành vi bị nghiêm cấm gồm: sinh sản vô tính; kinh doanh, quảng cáo tinh trùng, noãn, phôi; mang thai hộ vì mục đích thương mại. Cơ sở y tế có trách nhiệm xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị thực hiện mang thai hộ. Trường hợp nghi ngờ có thể yêu cầu bổ sung các giấy tờ khác có liên quan hoặc phỏng vấn trực tiếp. Cơ quan tư pháp xã có thẩm quyền xác định người thân thích của bên vợ hoặc bên chồng người nhờ mang thai hộ.
Cũng theo dự thảo, Bộ Y tế đề xuất người nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi cần có đủ sức khỏe làm kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con; không giới hạn độ tuổi. Trong khi nghị định cũ quy định người nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi phải từ đủ 20 đến 45 tuổi.
Dự thảo nghị định gồm 8 chương, 26 điều, dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.
Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo từ năm 2015. Mỗi năm, khoảng 500-700 trường hợp có nhu cầu nhờ mang thai hộ.
Phương Trang