Nằm cách khu dân cư xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng khoảng 1 km, hầm thủy điện Đạ Dâng bao phủ xung quanh bởi đồi núi. Sau hơn 10 năm khởi công, công trình đã thi công được 600 m đường hầm xuyên qua những đồi thông. Chỉ còn hơn 100 m nữa, hầm này sẽ được thông nhưng sự cố nghiêm trọng đã xảy ra khi hầm thủy điện bất ngờ bị sập sáng 16/12. Hơn 30 công nhân đang làm việc chỉ kịp nghe tiếng ầm ầm và đất đá bất ngờ ập xuống. 20 người chạy thoát ra ngoài miệng hầm trong khi 12 đồng nghiệp bị kẹt bên trong.
Đoạn bị sập nằm cách miệng hầm 500 m. Mọi nỗ lực quay lại cứu đồng nghiệp của những người thoát chết đều vô vọng khi lối thoát duy nhất lúc này bị chặn bởi khối đất, đá khổng lồ. Gần 200 người trong lực lượng cứu hộ của tỉnh Lâm Đồng sau 12 giờ nỗ lực đã vỡ òa niềm vui khi mũi khoan vào được bên trong và nhận thông tin tất cả các nạn nhân đều còn sống.
12 nạn nhân bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Phía trước họ là khối đất, đá, bùn nhão... chảy dài hàng chục mét. 3 phía còn lại là tường hầm được bao phủ bởi ngọn đồi rộng lớn. Đường hầm lại nằm sâu dưới đỉnh đồi 70 m, cộng với mưa lớn cả ngày hôm qua khiến nước ngầm trong hầm ngày một cao lên. Tại vị trí sập phía trên đỉnh đồi có 2 hố sâu, đất đá từ đây vẫn tiếp tục đổ xuống.
Hơn 30 giờ, nhiều phương án được đưa ra, song việc đưa 12 nạn nhân kẹt bên trong hầm thủy điện bị sập vẫn gặp vô vàn khó khăn do địa hình quá khắc nghiệt.
Phương án đầu tiên của lực lượng cứu hộ là tập trung khoan thẳng từ miệng hầm thủy điện, đưa đường ống dẫn oxy vào nơi 12 nạn nhân bị kẹt. Đồng thời khẩn trương gia cố, ổn định vị trí bị sập để đưa một ống sắt có đường kính khoảng 60 cm vào hiện trường, vừa hút đất đá, nước vừa để các nạn nhân chui ra ngoài. Cùng với đó, việc khảo sát tìm kiếm vị trí rò rỉ, ngăn nước mưa từ trên xuống cũng được gấp rút triển khai.
Tuy nhiên, việc khoan đưa đường ống dẫn khí vào bên trong vấp phải nhiều khó khăn. Các mũi khoan không thể đi sâu vì gặp phải các tảng đá mồ côi cực lớn. "Mũi khoan máy áp lực cao đầu tiên được 9 m thì bị dội khi gặp đá. Mũi thứ hai cũng chỉ được 13 m", ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết.
Sau nhiều giờ nỗ lực nhưng các mũi khoan bị gãy, vẫn chưa thể liên lạc với số nạn nhân mắc kẹt bên trong, chỉ huy cứu hộ hiện trường tính đến phương án thứ hai là khoan thủng từ trên ngọn đồi xuống. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng phương án này rất phức tạp, khó khả thi vì độ sâu là 70 m, cần phải khảo sát địa chất.
Trong lúc nhiều tính toán được đưa ra thì đến 19h40 ngày 16/12, lực lượng cứu hộ đã xuyên thủng đoạn hầm thủy điện bị sập, sau khi mũi khoan thứ 3 đi được 26 m. Qua đường ống khí phi 30 đưa vào, mọi người đã nghe được tiếng nói của các nạn nhân kẹt bên trong vọng ra. Họ cho biết vẫn an toàn, bên trong lạnh và rất đói, nước rò rỉ bị khối đất đá chặn đường thoát nên đang dâng lên.
Suốt đêm qua lực lượng cứu hộ gấp rút bơm oxy, truyền sữa, nước gừng, cháo... vào bên trong để họ đủ sức chống chọi. Các phương án đào đoạn hầm bị sập để nhanh chóng đưa nhóm người bị nạn ra ngoài tiếp tục được bàn tính. Song, lực lượng cứu hộ không thể đưa động cơ lớn vào khoan vì địa chất hầm yếu, có thể sập tiếp bất cứ lúc nào.
Sáng 17/12, lực lượng công binh của Quân khu 7 được huy động đến hiện trường đào hầm theo hình chữ A. Phương án tối ưu nhất là đào sâu vào 35 mét, xuyên qua đống đất đá rồi từ đó đưa mọi người ra ngoài. Song song đó, cứu hộ dùng 40 m3 gỗ thông để kè đường hầm chống sập.
Bên trong, các nạn nhân cho biết họ phải ngồi co ro trên thiết bị công trình để tránh lạnh. Nước đã dâng cao một mét tính đến chiều nay, đe dọa tính mạng 12 người. Lực lượng cứu hộ khẩn trương cho khoan thêm đường ống khí đối lưu và một đường ống ở phía sau đường hầm để gấp rút bơm nước ra.
Một mối đe dọa khác với lực lượng cứu hộ là trên ngọn đồi xuất hiện hai hố nằm cách nhau khoảng 9 m. Trong đó, một hố khoảng 4 m, sâu 2 m và một lỗ khoảng 15 m, sâu 10 m. Hai hố nằm giữa hai ngọn đồi, nếu trời mưa sẽ là nơi trũng nước đặc biệt nguy hiểm cho đường hầm. Hiện, đơn vị thi công đã cho phủ bạt, rào chắn cảnh báo ở khu vực hố.
Có mặt tại hiện trường, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chỉ đạo phải chạy đua với thời gian để cứu người. Việc cứu hộ sẽ đồng thời thực hiện theo 3 phương án, từ 3 hướng, là từ hai đầu hầm và từ đỉnh đồi xuống. Ở phương án từ trên xuống sẽ áp dụng khoan cọc nhồi và dự tính sẽ mất 2 ngày để khoan thủng nếu không gặp đá.
Hai Bộ trưởng yêu cầu lực lượng cứu hộ khẩn trương khoan lỗ thoát nước xuyên qua khối đất đá, rút nước trong hầm ra đồng thời gia cố bộ khung hầm (hình chữ A hoặc chữ nhật kích thước 1-1,5 m), đào thủ công lỗ thoát nạn và đào đến đâu chèn ngay khung đỡ đến đó.
Hiện lực lượng cứu hộ tỉnh Lâm Đồng vẫn nỗ lực với nhiều phương án để sớm tiếp cận nạn nhân. Cảnh sát cứu hộ TP HCM cùng nhiều chuyên gia đào hầm mỏ ở Quảng Ninh cũng được nhờ chi viện. Một nhóm bác sĩ của bệnh viện Chợ Rẫy cũng được lệnh của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lên đường đến Lâm Đồng sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu các nạn nhân.
An Nhơn